Tác động của các dự án hồ chứa trên dòng chính cùng với các hiệu ứng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đã tạo nên “mối đe dọa kép” thách thức sự tồn tại của ĐBSCL, nơi được mệnh danh là “bát cơm châu Á”.
Có thể thấy diện mạo của vùng đất này đang bị biến đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết do thiếu hụt lượng lớn phù sa bồi đắp hàng năm và sự gia tăng mực nước biển. Diễn biến trước mắt của quá trình tan rã chính là tình trạng sạt lở đang gia tăng về phạm vi và cường độ, cần có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ vùng đất này trước những diễn biến bất lợi do tác động nhiều mặt của con người và thiên nhiên.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết ĐBSCL hiện có 90 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 562km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn với chiều dài 33,665km. Các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 10 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL, chủ yếu là do yếu tố địa chất, địa mạo; tình trạng nước biển dâng, thiếu hụt phù sa, sụt lún nền đất và khai thác cát quá mức.
Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang (Trường ĐH Cần Thơ), ĐBSCL là một trong những đồng bằng phù sa non trẻ nhất trên thế giới. Tầng đất mặt ở khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng trũng treo U Minh chủ yếu là đất phù sa dạng mùn, được hình thành từ lớp thực bì rất dày bị phân hủy. Ở các khu vực ven sông là dải phù sa ngọt tơi xốp trong khi càng ra phía biển là vùng đất giồng, cấu tạo chủ yếu là đất cát pha với độ kết dính giảm dần. Chính vì đặc tính như trên nên nhìn chung, khả năng tan rã tự nhiên của tầng đất mặt ở ĐBSCL rất cao, độ cố kết và đàn hồi chịu đựng trước tác động của dòng chảy là rất hạn chế. Điều đáng lưu ý nữa là hướng nghiêng địa hình theo hướng chảy của sông Tiền và sông Hậu (Tây Bắc - Đông Nam) nhưng dọc hai con sông lớn này là mạng lưới kênh rạch kết nối chằng chịt với hướng chảy gần như vuông góc. Khi đó, sức nước ở những nơi hợp lưu sông sẽ tạo ra những xoáy ngầm rất mạnh. Khi các xoáy ngầm này di chuyển, chúng sẽ tạo ra các “hàm ếch” ở ngã ba, ngã tư sông và ăn sâu vào hai bên bờ cho đến khi bờ sông bị sụp đổ.
Sông Vàm Nao, nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vừa rồi, là một ví dụ điển hình của yếu tố này. Ngoài ra, sự mất dần của rừng phòng hộ cộng với nước biển dâng đã khiến bờ biển của 7 tỉnh từ Long An đến Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Yếu tố khai thác cát quá mức cũng tác động rất lớn đến dòng chảy các con sông chính, làm sạt lở nội địa gia tăng. Ngoài ra, sụt lún nền đất cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở ở ĐBSCL. Hiện tốc độ sụt lún nền đất trung bình của ĐBSCL ở mức 1 - 2cm/năm ở vùng nông thôn và 2,5cm/năm đối với khu vực thành thị và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, theo tập quán và yếu tố địa lý, các điểm dân cư thường tập trung đông đúc ở những khúc sông thuận lợi cho sinh sống và giao thương như ngã ba, ngã tư sông hay những doi, vịnh, cửa sông. Không may, những nơi định cư chiến lược về kinh tế như vậy lại là những nơi có nguy cơ cao về sạt lở.
Trước thực trạng trên, phòng chống sạt lở ở ĐBSCL là vấn đề đang đặt ra cấp bách. Sau các vụ sạt lở ở An Giang và Đồng Tháp vừa diễn ra mới đây, Bộ TN-MT đã vào cuộc khảo sát, đánh giá, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Vừa qua, Chính phủ cũng đã tổ chức buổi họp bàn giải pháp phòng chống sạt lở cho ĐBSCL. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp trên, Bộ NN-PTNT cần chủ trì, phối hợp với các bộ và các địa phương điều tra, đánh giá thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; tổ chức lập quy hoạch chỉnh trị bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân; các bộ, ngành cần rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn vùng ĐBSCL; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống sạt lở; theo dõi và đánh giá hàng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Mê Công và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy; rà soát lại quy hoạch phân bố dân cư để phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu; xây dựng các cụm, tuyến dân để di dời dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh những giải pháp trên, các tỉnh ĐBSCL đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, khoa học nguyên nhân sạt lở ở vùng ĐBSCL; rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành lĩnh vực. Đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhằm tính toán, xây dựng chiến lược phát triển, xem xét lại toàn bộ hạ tầng, quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác, bảo đảm tích hợp, thống nhất một quy hoạch chung. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình sạt lở của khu vực.