Khẩn cấp phòng chống cháy rừng

Vụ cháy khoảng 40ha rừng sản xuất ở Nông trường 402 (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xảy ra ngày 10-4 vẫn còn âm ỉ, thì ngày 11-4 tiếp tục xảy ra vụ cháy khiến hơn 2.000m2 rừng phòng hộ tại Tiểu khu 79 (rừng phòng hộ Phú Quốc) bị thiêu rụi...

Từ đầu mùa khô 2024 đến nay, một loạt vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, khiến nhiều diện tích rừng bị thiệt hại. Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiều cánh rừng tại ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung đang đứng trước nguy cơ cao bị... bốc hỏa!

L1h.jpg
Lực lượng kiểm lâm Phú Yên chuẩn bị công cụ, thiết bị ra quân phòng chống cháy rừng. Ảnh: PHƯƠNG ĐÔNG

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Sau hơn 24 giờ nỗ lực dập lửa, đến đầu giờ chiều 11-4, vụ cháy rừng sản xuất tại Nông trường 402 đã được các lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau khống chế. Tuy nhiên, tại cánh rừng xảy ra cháy, khói vẫn bốc lên ngùn ngụt, lửa vẫn âm ỉ dưới lớp thực bì cháy dở, nguy cơ tái cháy và cháy lan rất lớn. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, dù đám cháy rừng đã được khống chế, nhưng tỉnh vẫn duy trì lực lượng chữa cháy tại khu vực, đề phòng lửa cháy trở lại. Theo ông Phan Hoàng Vũ, vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 40ha rừng tràm sản xuất 5 tuổi (trồng năm 2019), do Nông trường 402, Cục Hậu cần (Quân khu 9) quản lý. Thiệt hại đang được cơ quan chức năng thống kê, nhưng ước tính là rất lớn.

Hiện chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quán triệt đến từng địa phương, cá nhân, tổ chức quản lý rừng, chủ rừng, người dân sống quanh khu vực rừng, các đơn vị làm công tác chữa cháy phải lấy “phòng làm chính”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nơi nào để xảy ra cháy rừng, người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm. Tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) phải đảm bảo nguồn nước chữa cháy trong bối cảnh khô hạn hiện nay... Qua thống kê, hiện Cà Mau có 143.683ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng có khả năng xảy ra cháy khoảng 45.679ha thuộc rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai. Trong đó, hiện có trên 15.700ha rừng đang ở mức báo động cháy cấp IV; trên 8.727ha ở mức báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), tập trung tại các khu rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Trung tâm Giống lâm nghiệp Cà Mau, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Tây Nam Bộ, Trại giam Cái Tàu… quản lý.

Tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 11-4, tiếp tục xảy ra cháy rừng khiến hơn 2.000m2 rừng phòng hộ tại Tiểu khu 79 (rừng phòng hộ Phú Quốc) bị cháy rụi. Đây là vụ cháy rừng, cây tạp thứ 7 tại Phú Quốc tính từ đầu mùa khô 2024 đến nay. Các vụ cháy rừng đã gây thiệt nặng về kinh tế, tốn kinh phí chữa cháy rất lớn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, ngoài rừng ở Phú Quốc, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có hơn 10.300ha rừng ở huyện Hòn Đất cũng đang ở mức báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm, trong đó rừng phòng hộ hơn 7.000ha, còn lại rừng sản xuất. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòn Đất, đến nay, huyện Hòn Đất đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng tổ đội PCCCR, Ban chỉ huy các xã và lực lượng bảo vệ rừng; tổ chức họp dân tuyên truyền về PCCCR, thực hiện ký cam kết đối với các chủ rừng và các hộ nhận khoán. Huyện đã thực hiện đóng cống, đắp 15 đập giữ nước phục vụ PCCCR, nạo vét 2.100m2 mặt mương nước trong khu vực rừng tràm. Ngoài ra, địa phương cũng bố trí 3 trạm bơm xuyên suốt 24/24 giờ vào rừng tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tràm, Ban quản lý rừng tỉnh Kiên Giang, Nông lâm trường Hòn Đất và rừng thuộc Sư đoàn Bộ binh 4.

Nghiêm cấm đốt thực bì

Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, hơn một tháng qua người dân phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, thời tiết hanh khô kéo dài. Khắp nơi đang báo động nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm cho đến cực kỳ nguy hiểm. Ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết, hiện toàn bộ các cánh rừng ở 11 huyện, thị xã, thành phố ở Bình Định đều có nguy cơ cháy rừng cao. “Nguy cơ cháy cao nhất nằm ở các cánh rừng trồng vì người dân có thói quen đốt thực bì để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Chúng tôi đã phát lệnh nghiêm cấm tất cả các hành vi đốt thực bì trong thời điểm này ở tất cả các địa bàn”, ông Sáu cho biết. Hiện Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã huy động tất cả lực lượng, hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng và các địa phương trên địa bàn ứng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống nguy cơ cháy rừng.

L5b.jpg
Xuyên đêm chữa cháy rừng tại Nông trường 402 (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Tại tỉnh Phú Yên, dù thời tiết mới bước vào đầu mùa khô, tuy nhiên ngành lâm nghiệp tỉnh xác định khả năng nguy cơ cháy rừng cao nên đã chủ động ứng phó. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, đơn vị đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm trên 9 huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình cụ thể, chuẩn bị các phương án PCCCR, đề xuất các trang thiết bị; phối hợp với các chủ rừng kiểm tra, giám sát các phương án PCCCR, duy tu các đường băng cản lửa.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngành kiểm lâm cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm ở các huyện Bình Sơn, Đức Phổ. Để PCCCR, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các chủ rừng rà soát diện tích những khu vực có nguy cơ cháy cao, nắm chắc các tuyến đường dẫn vào khu rừng, các nguồn nước gần nhất có khả năng phục vụ công tác chữa cháy. Ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã ban bố lệnh cấm lửa ở những cánh rừng sản xuất, nghiêm cấm đốt thực bì ở các khu vực rẫy keo, tràm.

Ứng trực 24/24 giờ tại cánh rừng có nguy cơ cháy cao

Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 248.343ha rừng, trong đó có hơn 196.358ha rừng tự nhiên. Do nắng nóng kéo dài nên trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ cháy rừng. Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, địa phương đang vào cao điểm mùa khô, nhiều khu vực rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Để phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với các địa phương đang là “điểm nóng” cần thành lập các chốt liên ngành tăng cường tuần tra quản lý, bảo vệ rừng; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát tình trạng phá rừng, cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng. Sở NN-PTNT cần chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ rừng để xảy ra cháy rừng, phá rừng trên lâm phần được giao quản lý, bảo quản...

Tại Lâm Đồng, hiện 2 địa phương là TP Bảo Lộc và huyện Đam Rông đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V (cực kỳ nguy hiểm), TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm). UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện phương án chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; thực hiện tuần tra, canh gác, phát hiện sớm cháy rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Riêng tại TP Đà Lạt, địa phương huy động lực lượng thuộc Hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, phường, xã tổ chức lực lượng dân phòng, công an xã, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát tại khu dân cư, khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm các điểm cháy để xử lý.

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều diện tích rừng ở các huyện Ia Grai, Chư Puh đang có nguy cơ cháy cao. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng của người dân; dừng ngay việc đốt thực bì. Yêu cầu các huyện bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Với các khu rừng gần khu dân cư, phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước...

Tin cùng chuyên mục