Ông Kei Kuriwaki – Trưởng phòng Cấp cao Quỹ Ajinomoto chia sẻ hoạt động của Quỹ và Dự án VINEP
Bệnh thận mãn được định nghĩa là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng với những biểu hiện bất thường trong xét nghiệm máu, nước tiểu hay các kết quả chẩn đoán hình ảnh. Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh nhân mắc bệnh thận mãn ngày một gia tăng chính là dân số già và bệnh đái tháo đường loại 2.
Bác sĩ Châu Thị Kim Liên chia sẻ tình trạng bệnh thận mãn trên thế giới và vai trò của dinh dưỡng trong điều trị.
Mục đích của điều trị bệnh thận mãn là không để bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Bao gồm: giúp bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng, giảm tải để bảo tồn chức năng thận còn lại, kiểm soát việc tạo lập chất thải từ thức ăn; hỗ trợ bệnh nhân hạn chế tình trạng buồn nôn, ngứa, chán ăn cũng như giữ cân nặng và khối lượng cơ; cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động hằng ngày và kiểm soát đường huyết. Chế độ dinh dưỡng thích hợp cần được bắt đầu sớm ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thận mãn.
Các chuyên gia, bác sĩ, giảng viên đại học tham dự Hội thảo
Chế độ ăn trong điều trị bệnh thận mãn cần đáp ứng 4 nguyên tắc sau:
- Ít đạm, dùng protein quý có giá trị sinh học cao, đủ acid amin thiết yếu, tỉ lệ hấp thu cao.
- Giàu năng lượng, đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và hạn chế quá trình giáng hóa protein trong cơ thể.
- Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu,
- Đảm bảo cân bằng nước – muối, ít toan, đủ canxi, ít phosphat.
Tuy nhiên, khẩu phần ăn dành cho mỗi bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, tiền sử bệnh, giai đoạn bệnh, chức năng thận, hoạt động thể lực và những yếu tố khác. Dinh dưỡng trong điều trị không chỉ làm chậm quá trình xơ hóa cầu thận mà còn kéo dài thời gian cần phải lọc máu.