Theo đó, Ban Quản lý ATTP đề nghị UBND 24/24 quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm; Chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP quận - huyện, phường - xã - thị trấn, các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tổ chức việc sử dụng các sản phẩm động vật tại nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, các chợ. Khuyến cáo các cơ sở sử dụng nguồn thịt heo đảm bảo nguồn gốc, có kiểm soát của cơ quan thú y, không gây biến động thị trường.
Bên cạnh đó, các đội Quản lý ATTP liên quận - huyện trực thuộc Ban quản lý ATTP cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhằm quản lý chủ động chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ...
Ban Quản lý ATTP TPHCM sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP.
Cũng theo Ban quản lý ATTP, trước đó, ngày 10-6, tại hộ chăn nuôi heo của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9), cơ quan chức năng giám sát phát hiện đàn heo có triệu chứng điển hình của dịch tả heo châu Phi. Cơ quan thú y TP đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y Vùng 6 và kết quả xác định các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP đã phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND quận 9 tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo và thức ăn thừa tại địa điểm xa vùng dân cư của TP.
Ban Quản lý ATTP cũng đã yêu cầu Đội quản lý ATTP liên quận – huyện quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trện địa bàn quận 9 triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP, xử lý và khống chế dịch bệnh lây lan.