Theo đó, Ban Quản lý ATTP đề nghị UBND 24 quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm; Chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP quận - huyện, phường - xã - thị trấn, các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tổ chức việc sử dụng các sản phẩm động vật tại nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, các chợ; Khuyến cáo các cơ sở sử dụng nguồn thịt heo đảm bảo nguồn gốc, có kiểm soát của cơ quan thú y, không gây biến động thị trường.
Bên cạnh đó, các đội quản lý ATTP liên quận huyện trực thuộc Ban Quản lý ATTP tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhằm quản lý chủ động chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến ngày 12-6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố. Tổng số heo buộc phải tiêu hủy là 2.490.449 con, với trọng lượng 147.260 tấn. Có 55 xã thuộc 15 tỉnh đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch nhưng sau đó lại phát sinh heo bị bệnh.
Triển vọng tìm ra vaccine ngăn chặn dịch
Để sớm tìm ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh hoành hành, giảm thiểu thiệt hại, cứu ngành chăn nuôi heo, Bộ NN-PTNT vừa cho biết, 3 tháng qua, bộ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các trung tâm, viện nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, đề nghị khẩn trương vào cuộc, thành lập các nhóm nghiên cứu sản xuất vaccine phòng dịch tả heo châu Phi.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong đó có nhóm nghiên cứu, khảo nghiệm hiệu quả vaccine dịch tả heo châu Phi được Bộ NN-PTNT giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện.
Đến nay, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập được virus dịch tả heo châu Phi và sản xuất được vaccine thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, giữa các lô heo có tiêm vaccine thí nghiệm và heo không tiêm vaccine có sự khác biệt rõ ràng về bệnh lý, virus lâm sàng, nhiệt độ cũng như mức độ tiêu tốn thức ăn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng có triển vọng về việc tìm ra vaccine ngăn dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải tiếp tục tiến hành thí nghiệm diện rộng với nhiều góc độ khác nhau để có đánh giá chính xác.