Thông tin được Bộ Y tế công bố tại lễ phát động và hưởng ứng Tuần lễ truyền thông toàn cầu phòng chống kháng thuốc kháng sinh do WHO tổ chức từ ngày 13 đến 19-11.
Kháng kháng sinh là tình trạng các vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... kháng lại thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Hay nói cách khác, các thuốc kháng sinh dùng chữa bệnh cho người không còn tác dụng trên lâm sàng, không thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngay cả khi sử dụng với nồng độ cao. Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng, trong đó nguyên nhân chính là việc sử dụng kháng sinh tràn lan, kéo dài, thói quen mua bán kháng sinh không cần đơn. Thực tế, ở Việt Nam bất kỳ ai nếu có tiền là có thể mua được hàng chục loại kháng sinh khác nhau trên thị trường, chẳng cần biết hậu quả, tác dụng như thế nào. Ngay cả các cơ sở điều trị và không ít bác sĩ cũng lạm dụng việc kê đơn kháng sinh cho người bệnh. Tệ hơn, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt cũng rất nặng nề. Kháng sinh được sử dụng trên động vật không chỉ để điều trị bệnh mà còn để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. Nguy hiểm ở chỗ, tình trạng phát triển tính kháng thuốc kháng vi sinh vật ở động vật có thể truyền sang người thông qua chuỗi thực phẩm.
WHO chỉ rõ, tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề quan ngại mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, lo ngại, nếu dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc không những gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn gây ra nhiều tác hại như dị ứng, sốc phản vệ, xuất huyết tiêu hóa, tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong và gia tăng gánh nặng kinh tế cho người bệnh và xã hội. “Nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài, không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người vào năm 2050. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng...”, ông Kidong Park cảnh báo. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế cho biết đã có nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường như viêm phổi, lao, sốt rét... ngày càng trở nên kháng với các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn, khó chữa hơn và tử vong nhiều hơn.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020, nhằm tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 yêu cầu 100% quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi ngành y tế cùng các bộ ngành chức năng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và cán bộ y tế nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen nhằm hạn chế sử dụng, tiến tới giảm bớt sự lệ thuộc vào kháng sinh mỗi khi ốm đau. Đặc biệt, người dân chỉ nên sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn, sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đủ thời gian, không tùy tiện mua thuốc kháng sinh. Đi kèm, ngành y tế cũng cần có chế tài xử lý thật nghiêm những nhà thuốc bán kháng sinh không có đơn.