Khẩn cấp chống sạt lở

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, tại huyện Nhà Bè đã xảy ra liên tiếp 2 vụ sạt lở nghiêm trọng. Người dân sống ven sông, ven kênh rạch nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa to hay triều cường. 
Sạt lở tại Nhà Bè
Sạt lở tại Nhà Bè
Trong khi đó, việc di dời dân cũng như tiến độ thực hiện các dự án phòng chống sạt lở kiểu “nước đến chân mới nhảy”.

Còn 11 điểm nguy cơ sạt lở cao 

Vụ sạt lở tại khu vực ven sông Kinh Lộ, đoạn gần cầu Kinh Lộ thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM vào rạng sáng 27-6 khiến 5 căn nhà bị nứt toác và có nguy cơ sụp xuống sông, hàng chục người phải di dời khẩn cấp. Trước đó, vào ngày 31-5, tại phía bờ phải sông Rạch Tôm, ấp 3, xã Nhơn Đức, xuất hiện vết nứt dài 40m, rộng 3m khiến cả khu vực gần 600m2, trong đó có 8 căn nhà dân bị ảnh hưởng; đến nay vẫn chưa khắc phục xong sự cố. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn huyện Nhà Bè hiện có 16 điểm sạt lở, trong đó có 11 điểm đặc biệt nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Riêng tại xã Hiệp Phước có đến 6 điểm đang nằm trong diện nguy cơ cao. Vì vậy, UBND huyện và các xã đã vận động các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn.

Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP đã diễn ra trong thời gian dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện hàng chục nhà dân ở bờ phải Tắc Sông Chà giao nhau với sông Soài Rạp, kênh Bà Tống, ngã ba Tắc Ông Nghĩa thuộc xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ đang đau đáu nỗi lo sạt lở khi có mưa to hoặc triều cường. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp ngay trong các quận nội thành. Dọc sông Sài Gòn có hàng trăm nhà dân sinh sống, trong đó có một số phần sau nhà nằm nhô ra lòng sông nhưng lại không có hệ thống bờ kè. Tại những khu vực trên, thường xuyên có các phương tiện giao thông thủy loại lớn qua lại, tạo sóng đánh bạt vào mép sông gây hư hại bờ và hàng cây bảo vệ, làm hệ thống bờ bao bị xói mòn sâu. 

Khẩn cấp xin vốn làm kè 

Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP ưu tiên bố trí vốn cho sở triển khai 33 dự án xây kè tại các vị trí sạt lở trên. Điều đáng nói là các dự án chống sạt lở vốn đã khá “khiêm tốn” về số lượng, nhưng việc thi công lại hết sức chậm chạp vì không có mặt bằng để thi công cũng như nguồn vốn rót “nhỏ giọt”. Ngoài ra, các dự án chống sạt lở còn nhiều vướng mắc như địa phương không có đủ quỹ nhà đất để tái định cư cho số hộ dân phải di dời để giao mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Trước mắt, Sở GTVT TP đã giao Khu Quản lý đường thủy nội địa phối hợp với địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở, thường xuyên kiểm tra và nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng dự án kè bảo vệ bờ tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đồng thời, sở đề nghị địa phương sớm có biện pháp cảnh báo để người dân chủ động đề phòng và di dời ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. 

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ di dời 1.210 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm (ven sông, ven biển bị sạt lở) vào các điểm dân cư hiện hữu hay khu tái định cư tập trung trên địa bàn quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Cụ thể, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư di dời sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè (khu 2ha tại xã Phước Lộc, khu 1ha và 1,9ha tại xã Hiệp Phước) với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (khu phố Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh) với tổng mức đầu tư 355 tỷ đồng; dự án di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai cho 388 hộ dân thuộc huyện Cần Giờ tại các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Long Hòa, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và thị trấn Cần Thạnh với tổng mức đầu tư 34,92 tỷ đồng; dự án di dời 108 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc huyện Bình Chánh tại xã Bình Hưng và xã Tân Nhựt với tổng mức đầu tư 9,72 tỷ đồng; dự án di dời 44 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc quận Thủ Đức tại các phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước với tổng mức đầu tư 3,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao bị chậm. Người dân sống trong những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đang phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ tính mạng và tài sản của bản thân, gia đình có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào.

Tin cùng chuyên mục