Điều đó cho thấy sạt lở ở ĐBSCL không còn xảy ra theo quy luật, mà diễn biến rất bất thường, đòi hỏi chính quyền và các ngành chuyên môn phải có giải pháp ứng phó kịp thời.
Sạt lở khắp nơi
Khoảng 9 giờ 20 ngày 22-4, tại bờ sông Vàm Nao (đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài 70m, làm 14 căn nhà và 2 nền nhà sụp xuống sông, ước tổng thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên có hơn 100 hộ dân đã bị ảnh hưởng. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc (Sở TN-MT tỉnh An Giang), khu vực đang xảy ra sạt lở đã xuất hiện hố xoáy với chiều dài 380m, chiều ngang 120m, độ sâu 42m nên nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, UBND tỉnh, Sở TN-MT khuyến cáo các ngành chức năng của huyện và xã vận động các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn. Trước đó, tại khu vực xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp (đoạn cặp sông Tiền ven Quốc lộ 30) xảy ra tình trạng sạt lở đất với chiều dài khoảng 2.300m, ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân sinh sống và kết cấu hạ tầng, kho bãi của người dân. Đáng chú ý là đoạn sạt lở cách Quốc lộ 30 từ 15 - 25m, khiến Đồng Tháp phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Đó mới chỉ là 2 vụ sạt lở nghiêm trọng gần đây. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đã kéo dài lâu nay, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Một báo cáo mới đây của Bộ NN-PTNT cho thấy những năm gần đây, trung bình mỗi năm tình trạng sạt lở đã lấy đi 500ha đất ở vùng ĐBSCL, tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển có nơi lên đến 30-40m/năm. Bờ biển ĐBSCL hiện có 20 điểm đang có diễn biến sạt lở với tổng chiều dài trên 200km, chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài bờ biển toàn vùng. Hầu hết các tỉnh tiếp giáp với biển đều có tình trạng sạt lở nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là khu vực các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp. Hiện ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài sạt lở lên đến 450km. Kết quả quan trắc năm 2016 của ngành chức năng tỉnh An Giang thực hiện trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Bình Di, sông Châu Đốc… đã chỉ ra nguy cơ sạt lở bờ sông với 51 điểm với tổng chiều dài trên 162km.
Tại Cần Thơ, qua khảo sát toàn TP có 2.424 hộ đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc phải bố trí di dời chỗ ở đến nơi ở mới. Tại Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 6 vụ sạt lở đất bờ sông trên địa bàn các huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp với tổng chiều dài 1,1km, bề rộng 2-5m khiến hàng ngàn mét vuông đất bị mất. Tại Cà Mau, bờ biển Tây trên địa bàn sạt lở bình quân từ 20 - 25m/năm và bờ biển Đông từ 45 - 50m/năm với chiều dài khoảng 150km. Bình quân mỗi năm, biển ăn khoảng 450ha đất ven biển. Một số đoạn bờ biển bị sạt lở có nguy cơ gây vỡ đê biển hơn 40km, 5.100m rừng phòng hộ ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm.
Cấp bách phòng chống
Dù tình trạng sạt lở ở ĐBSCL rất nghiêm trọng và diễn ra liên tục, song đến nay, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu bảo vệ đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng đất này. Tập quán sông nước, sinh kế khiến người dân ở đây phải sinh sống ven sông, rạch, bất chấp rủi ro từ thiên nhiên. Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan là quy luật vận động tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu thì có những nguyên nhân chủ quan do chính con người gây nên như: khai thác cát quá mức, khai thác nước ngầm gây lún đất, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công xây các hồ chứa, đập thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy, hạn chế phù sa đổ về ĐBSCL.
PGS-TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ) cho biết: Toàn bộ lượng cát khai thác tại ĐBSCL ăn vào kho cát tích tụ từ hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trước. “Cát ở ĐBSCL là loại phù sa lắng đọng lâu dài, chúng tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Có thể nói cát như là bộ xương định hình cho diện mạo của ĐBSCL. Thiếu cát, với ĐBSCL sẽ là một thảm họa khó lường!”, PGS-TS Dương Văn Ni lo lắng. Từ 5 năm trước, Liên hiệp quốc đã lưu ý việc xây đập thủy điện bừa bãi vùng thượng nguồn sông Mê Công của Trung Quốc, độc chiếm dòng sông là mối đe dọa lớn nhất đối với con sông Mê Công chảy qua 6 quốc gia và Việt Nam gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, các chuyên gia cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là thay đổi thói quen, tập quán sinh sống của người dân. để hạn chế tối đa thiệt hại, cần quy hoạch, xây dựng các cụm dân cư, di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến các giải pháp phi công trình, ứng dụng thử nghiệm các loại vật liệu, công nghệ mới, chú trọng đến các giải pháp sử dụng vật liệu đơn giản, thân thiện với môi trường, giá thành rẻ để bảo vệ bờ sông, bờ biển. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, để hạn chế sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL cần có các giải pháp đồng bộ và tổng hợp. Trong đó, chú trọng những giải pháp hợp tác quản lý tài nguyên nước bền vững lưu vực sông giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Công; xây dựng cơ chế, quy định liên vùng, liên ngành; quản lý tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ bờ sông, hạn chế sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL. “Giải quyết triệt để, căn cơ vấn đề này là bài toán rất phức tạp nhưng không thể không làm; đòi hỏi sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và của mỗi người dân”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo một thống kê của ngành thủy lợi, có khoảng 10% - 15% tổng tải lượng trầm tích phù sa mà sông Mê Công mang về (tương đương 12 - 18 triệu m3 bùn cát) được lắng đọng dưới lòng sông Mê Công đoạn từ Kratie (Campuchia) qua ĐBSCL ra biển Đông. Trong khi đó, quá trình xây dựng, phát triển khiến gia tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp. Lượng cát khai thác tại ĐBSCL đã lên tới 28,25 triệu m3/năm (phần nhiều là cát mịn, cát đen dùng để san lấp), gần gấp đôi tổng lượng bùn cát lắng đọng trên cả đoạn từ Kratie trở ra biển.