Có dịp được trải nghiệm du lịch cùng trẻ em tham gia khóa kỹ năng sống “Hè vui-Sống đẹp” của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng tỉnh Quảng Ngãi, mới thấy và cảm nhận hết vẻ đẹp của làng và nổ lực xây dựng làng du lịch cộng đồng của người dân nơi đây.
Chương trình tham quan bắt đầu bằng trải nghiệm vườn trái cây của nhà ông Lê Văn Tất (thôn Bình Thành). Vườn trái cây nhà ông sum suê bưởi, mỗi trái chín nặng tầm 2-3kg, có trái trĩu cả cành.
Gia đình ông Tất đã tạo thêm cảnh quan trong vườn bằng cổng tre, lát đá vào vườn, những chiếc bàn tre đặt trong vườn bưởi rất dân dã. Căn nhà cấp bốn của ông Tất xôn xao hẳn lên khi những đứa trẻ ghé thăm, ông Tất vui lắm.
Ông nói: “Nhà trước kia chỉ có 2 vợ chồng già và mảnh vườn, từ khi có khách hay trẻ con tới thăm quan thì khu vườn nhộn nhịp hẳn nên gia đình rất vui, nhà tôi cắt những trái cây vừa chín để khách nhí ăn tại vườn”.
Ông Tất có 6 sào vườn cây trái chủ yếu là bưởi và mít trong đó có hơn 50 gốc bưởi được trồng hơn 18 năm, mỗi gốc bưởi cho ra 100-200 trái/vụ. Ông cho biết: “Nếu trước kia chỉ có nguồn thu nhập từ bán cho thương lái, có năm được mùa có năm mất mùa vì sâu bệnh thì nay chúng tôi có thêm nguồn thu từ du lịch cộng đồng nên ai nấy trong thôn đều rất phấn khởi”.
Thôn Bình Thành có khoảng 209 hộ dân với 846 nhân khẩu, mỗi hộ đều có ít nhất một mảnh vườn trồng trái cây, trong đó toàn thôn có 10ha bưởi, 4ha sầu riêng, 4ha chôm chôm và nhiều diện tích trồng xoài, mít… Sản lượng bình quân hằng năm các loại trái cây như bưởi khoảng 5 tấn/năm, sầu riêng khoảng 7 tấn/năm, chôm chôm là 2,5 tấn/năm…, thu nhập bình quân người dân thôn Bình Thành khoảng 49,3 triệu/người/năm.
Không chỉ có vườn trái cây, Bình Thành còn nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh ít, bánh su sê, bánh bột lọc… Cứ mỗi khi có đoàn khách tới, người dân làm bánh tại tập trung ở nhà văn hóa thôn Bình Thành, ngồi dưới chòi bằng tranh tre cùng du khách trải nghiệm quy trình làm bánh thủ công và thưởng thức các món bánh.
Bà Lê Thị Môn có nghề làm bánh ít đã 12 năm, mỗi ngày bà làm từ 500-1.000 bánh. Năm nay, bà Môn vừa làm bánh bán mỗi ngày vừa năng nổ tham gia du lịch cộng đồng với địa phương. Bà cho biết: “Thu nhập từ làm bánh mỗi ngày từ 300-400 ngàn đồng. Từ khi có du lịch, tôi thấy công việc làm bánh không chỉ kiếm thu nhập mà còn mang đến niềm vui cho mọi người, lại vừa quảng bá được bánh ít truyền thống".
Anh Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, cho biết: “Địa phương chú trọng phát triển 4 sản phẩm là trái cây, nghề nuôi dâu tằm, làm bánh truyền thống và du lịch tâm linh. Thôn Bình Thành còn giữ được 20ha diện tích trồng dâu với 30 hộ làm nghề nuôi tằm và đang duy trì làng nghề này. Đối với du lịch tâm linh thì xã Hành Nhân có cây đa sộp hơn 200 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam và Đình Lâm Sơn thuộc thôn Phước Lâm được UBND tỉnh công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, lưu giữ giá trị văn hóa gắn liền với công cuộc khẩn hoang của người Việt trên vùng đất phương Nam".
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết về lâu dài, việc phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Quảng Ngãi sẽ kết hợp song song với các chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình phát triển dân tộc thiểu số, sản phẩm đặc trưng địa phương, thu hút khách nội địa.