Theo chia sẻ của tác giả Trần Thanh Hưng, từ năm 1993, ông cùng các nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, làm công tác bảo tồn di sản văn hóa như Phan Đình Phùng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Danh Hạnh, các đoàn làm phim tài liệu VTV, HTV, các nhà báo Trung ương và địa phương... đã có nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu tại làng gốm cổ Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Đặc biệt, với những ghi chép từ cố nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức Nguyễn Thịnh, ông đã có những phác thảo đầu tiên về gốm Quảng Đức, một trong những di sản văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên vừa tròn 410 năm xuất hiện tên gọi trên bản đồ Đại Việt (1611-2021).
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc (sinh năm 1937) vẫn rất nhiệt tình và hăm hở lên đường cho một phác thảo rộng hơn về các dòng gốm Nam Trung bộ: từ gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Quảng Đức (Phú Yên) đến gốm Lư Cấm (Khánh Hòa), gốm Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận).
Chính những chuyến đi để tìm hiểu làng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân, các nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm là cơ sở để hai tác giả hoàn thiện đề cương cho cuốn sách Gốm Nam Trung bộ sau này.
Sách gồm 9 chương, trong đó, ngoại trừ chương 1 và chương 9, các chương còn lại mỗi chương đều đi sâu vào tìm hiểu và khám phá một loại gốm khác nhau tại các địa phương của Nam Trung bộ.
Qua nghiên cứu bước đầu của hai tác giả, có thể thấy gốm Nam Trung bộ đã từng có những bước thăng trầm trong quá khứ. Đặc biệt, thời thịnh hành, gốm Quảng Đức (Phú Yên) được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người Kinh, người Thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Leo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai đều tìm mua.
Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TPHCM cho biết, ông có một số hiện vật gốm Quảng Đức có thơ Nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn những năm sau 1975. Ban đầu, ông không biết chúng thuộc dòng gốm nào, nhưng thấy khá lạ mắt, nhất là sự đa dạng về men màu có dính vỏ sò.
Nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh cũng ở TPHCM thì kể, khi nạo vét một số kênh rạch ở Sài Gòn cũng phát hiện khá nhiều gốm Quảng Đức. Rõ ràng, dòng gốm này đã từng có một thời gian được tiêu thụ, giao thương không chỉ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.