Đến với Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương, bạn đọc không chỉ được ngắm nhìn, thưởng lãm những khung cảnh đẹp đến nao lòng, mà còn có cơ hội được sống lại, được hòa mình vào những tác phẩm văn chương đã lưu dấu cùng năm tháng: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Chiều Sài Gòn (Bùi Giáng), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)…
Thật thú vị khi trong sách, bạn đọc có thể chiêm ngưỡng hình ảnh con sông Đà hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật dịu dàng qua bức tranh của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và qua những dòng chữ tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân: Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
Và cũng thật thư thái, bình yên khi được ngắm nhìn một xứ Huế mộng mơ qua bức tranh màu nước của Quỳnh Chu, in kèm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?. Cũng không khỏi thẫn thờ, bâng khuâng với “những hàng me Sài Gòn” trong một áng văn đến từ nhà văn Bình Nguyên Lộc kèm tranh của Khánh Vân: Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với cỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non…
Ấn phẩm do 2 tác giả Thanh Nguyệt và Quỳnh Liên biên soạn, gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Cùng với đó là sự tham gia của gần 30 họa sĩ đương đại tham gia vẽ minh họa. Phải nói rằng, Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương “ghi điểm” với độc giả nhờ một ý tưởng độc đáo và thú vị, cộng thêm yếu tố mỹ thuật đã khiến cho ấn phẩm trở nên đẹp và đặc biệt, càng trở nên hữu ích hơn khi có thể trở thành tư liệu dạy và học trong nhà trường, vừa bay bổng vừa trực quan.