Nơi gửi gắm niềm tin
Tương truyền, trong quá trình khai phá vùng đất mới để khai cơ lập nghiệp, cư dân các tỉnh miền Trung đã xuôi về phía Nam và dừng chân tại vùng đất Mũi Né, đánh bắt hải sản.
Trước khi có tàu thuyền hiện đại để chinh phục đại dương, những cư dân địa phương đã xây dựng một số đền thờ, vạn chài nhằm cầu mong thủy thần phù hộ cho việc ra khơi được thuận buồm xuôi gió. Vào đầu thế kỷ thứ 19, vạn Bình An được tạo lập với tín ngưỡng tâm linh đó.
Tọa lạc tại khu phố 2, phường Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), vạn Bình An rộng hơn 3.000m², có lưng dựa vào đồi cát, mặt hướng ra phía biển. Cũng giống như các vạn chài khác trên cả nước, vạn Bình An là nơi tôn nghiêm, được ngư dân phường Mũi Né tổ chức lễ bái trước, trong và sau mỗi chuyến biển.
Vạn được chia làm 3 khu thờ chính: Gian thờ các chư vị thủy thần; gian thờ các bậc tiền vãng - những người có công khai phá vùng đất và lập vạn; cuối cùng là khu đất để an táng loại thủy sản thiêng liêng.
Tại gian thờ chính của vạn Bình An, ngoài bài vị thờ Cựu Thần linh Nam Hải (cá Ông đầu tiên được chôn cất) thì còn có bố trí bài vị thờ bà chúa Hạ, bà Thủy, 5 vị ngũ hành và ông Sanh (các cá Ông ngoài biển)…
Trong quan niệm của người dân Mũi Né, đây là những vị thủy thần, thổ thần thường hiển linh, phù hộ người dân được cơm no áo ấm, tai qua nạn khỏi khi đánh bắt hải sản trên biển.
Mỗi năm, vạn Bình An duy trì tổ chức 3 lệ cúng, gồm: lệ tế Xuân khai lập đầu năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch; lệ cầu Ngư vào ngày 16-5 và cuối cùng là lệ giỗ ông Nam Hải ngày 20-8.
Vào những dịp lễ này, không chỉ có ngư dân - những người trực tiếp khai thác hải sản trên biển mà các tầng lớp nhân dân khác của Mũi Né cũng tìm đến vạn Bình An để tế lễ, cầu mong bình an.
“Tôi tin tưởng vạn Bình An, hễ mà vạn tổ chức cầu ngư, hát bội là biển no lắm. Như năm nay, rất được mùa, chứ năm ngoái thì đói lắm. Phần nữa là năm nay vừa có cá Ông, có rùa Bà trôi vào nên chúng tôi lám ăn khắm khá”, bà Trần Thị Anh Cúc, người dân phường Mũi Né nói.
Chốn an nghỉ của nhiều loại thủy sản linh thiêng
Một điểm đặc biệt khác của vạn Bình An, đó chính là nơi đây thường được chọn lựa là địa điểm để an táng những loài thủy sản linh thiêng được các ngư dân phát hiện.
Vào đầu tháng 5-2017, một xác cá Ông dài khoảng 12m, nặng 7 tấn đã được ngư dân trục vớt, đưa vào vạn để làm các thủ tục tẩm liệm, chôn cất tôn nghiêm.
Gần đây, vào đầu tháng 10 vừa qua, vạn Bình An cũng là nơi tiếp nhận và an táng xác của 1 rùa biển quý hiếm dài khoảng 3m, nặng hơn nửa tấn.
“Theo quan niệm của ngư dân, khi gặp các loài thủy sản linh thiêng, đặc biệt là cá Ông bị lụy và trôi dạt vào bờ, ngư dân và các vạn chài có bổn phận chôn cất và thờ cúng nghiêm trang. Ngư dân tin rằng làng chài nào may mắn gặp được Ông lụy thường được ấm no, tai qua nạn khỏi trên biển. Chính vì vậy mà chúng tôi đã duy trì tục lệ an táng này từ khi vạn mới tạo dựng cho đến nay”, ông Lê Văn Mỹ, vạn trưởng vạn Bình An, phường Mũi Né cho biết thêm.
Từ sau khi được tạo dựng vào đầu thế kỷ thứ 19 đến nay, vạn Bình An đã tiếp nhận an táng, thờ cúng hàng chục xác cá Ông cùng các vị thủy thần ở Mũi Né.
Thông thường, sau khi chôn cất được 3 năm thì các hài cốt được chọn cất sẽ được cải táng và cho nhập lăng để cúng tế chung vào ngày giỗ ông Nam Hải (20-8 Âm lịch hàng năm). Riêng đối với xác cá Ông mới an táng vào tháng 7 vừa qua, do kích cỡ to lớn nên vạn Bình An dự định sẽ lập một khu thờ riêng, thời gian cải táng cũng sẽ thực hiện lâu hơn.
Mặc dù là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng có từ lâu đời của ngư dân Mũi Né nhưng do thiếu người trông coi, bảo quản nên vạn Bình An thường xảy ra các vụ trộm cắp.
Ngư dân Mũi Né cũng như ban điều hành vạn mong muốn, thời gian tới chính quyền địa phương và ngành văn hóa sẽ quan tâm hơn trong việc xem xét, công nhận vạn Bình An là một di tích văn hóa để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vạn ngày một tốt hơn.