Coco Home (Nhà dừa - PV) là căn nhà của vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Giác (69 tuổi) và ông Dương Văn Thưởng (chú Tám Thưởng, 82 tuổi) ngụ xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, kiểu nhà Nam bộ xưa dân dã, bình dị, nhưng điểm nhấn của nó nằm ở ý tưởng của chủ nhân căn nhà.
Tạo thành từ 1.700 cây dừa lão
Nhà dừa vừa là nơi ở của vợ chồng chú Tám Thưởng, vừa là điểm du lịch mới nổi ở tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng được xem là một công trình nghệ thuật được làm hoàn toàn từ cây dừa với cổng chào làm từ những thân gỗ dừa chắc chắn; mái ngói cách điệu làm từ những chiếc gáo dừa vô cùng đẹp mắt; gian nhà chính được dựng bởi 36 cây cột dừa; gian giữa được bày trí bộ bàn ghế, ấm, tách trà… đều được làm bằng dừa.
Chú Tám Thưởng chia sẻ, ý tưởng xây dựng căn nhà từ những cây dừa lâu năm được khởi phát từ cô con gái và phải ròng rã gần chục năm tìm mua ở một số nơi của tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre… mới đủ dựng nên căn nhà. Theo chú Tám Thưởng, dừa để dựng nhà phải chọn những cây có tuổi đời từ 80 năm trở lên bởi sớ gỗ chắc chắn.
“Dừa sau khi mua về phải ngâm dưới nước. Sau hơn 1 năm thì mang đi bào bỏ vỏ, xử lý thuốc chống mối mọt, gỗ dừa khi thành phẩm không thua kém gì các loại gỗ quý như giáng hương, lim, căm xe… Việc cưa, xẻ thân dừa để làm ván, làm cột, kèo cũng tùy theo bề mặt cây dừa mà xẻ thân theo chiều nào. Sớ dừa cũng rất bén, thợ phải bào, gọt rồi lấy giấy nhám chà cho đến khi sờ vào không còn thấy sớ gồ ghề thì mới làm được”, chú Tám Thưởng cho biết.
Du khách chụp ảnh lưu niệm khi đến tham quan Nhà dừa - Coco Home |
Nghe tiếng Nhà dừa độc đáo, nhiều khách du lịch đã ghé tham quan và thích thú. Bà Đinh Kim Liên, một du khách đến tham quan Nhà dừa, cho biết, tất cả vật dụng trong nhà, cho đến đồ trang trí nội thất, hoành phi, câu đối đều được làm từ cây dừa… rất khéo léo và nghệ thuật. Những cây dừa vô tri vô giác, tưởng chừng chỉ là những thớ củi vụn nhưng chủ nhân căn nhà đã thổi hồn vào nó, rất có giá trị.
Còn du khách Bùi Thị Phăng thì vô cùng ngạc nhiên vì cây dừa vốn dĩ thân thuộc với làng quê Nam bộ, không ngờ có thể xây dựng thành căn nhà đồ sộ đến vậy.
Theo chú Tám Thưởng, để có căn Nhà dừa như hôm nay, chú đã mời khoảng 30 thợ mộc lành nghề ở Bến Tre, miệt mài thực hiện gần 2 năm trời mới hoàn thiện. Chăm chút từng khâu, tỉ mỉ từng chi tiết, căn nhà đã tiêu tốn hết 1.700 cây dừa cao tuổi. Tuy nhiên, nếu tính toàn bộ khuôn viên gồm: nhà hàng, cổng rào, nhà trưng bày hàng lưu niệm, bàn ghế, chén, đũa, muỗng, ly… thì tổng cộng dùng hết 4.000 cây dừa, với tổng chi phí gần 6 tỷ đồng. Các loại lư hương, tượng Phật, liễn thờ cũng được làm bằng dừa; vách nhà, chùm đèn trang trí, bình, cửa, la phông đều làm từ thân cây dừa, xơ dừa; các tượng Phật Phúc - Lộc - Thọ - Phật Di Lặc đặt trước cổng cũng được làm từ rễ của những cây dừa lão do chính tay chú Tám Thưởng sưu tầm.
Điểm du lịch đặc trưng
Chị Dương Diệu Hiền, con gái của chú Tám Thưởng, trước đây là hướng dẫn viên du lịch ở địa phương, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại quê nhà. Nhưng điều mà chị Hiền trăn trở là khách nước ngoài chỉ đến trải nghiệm một lần, vì sản phẩm du lịch đơn điệu không thể níu chân du khách trở lại lần hai, lần ba… Từ thực tiễn đó, chị Hiền và gia đình đã hun đúc một ý tưởng làm du lịch đặc sắc và chính căn Nhà dừa là sản phẩm du lịch độc đáo có một không hai tại miền châu thổ Cửu Long.
Chị Hạnh Nghi, một du khách, cảm nhận: “Là người địa phương nhưng tôi rất thích thú trải nghiệm tại Nhà dừa vì chưa có nơi nào có được”. Chị Thanh Hằng, một du khách đến từ TPHCM, chia sẻ: “Bước vào Nhà dừa có cảm giác thoải mái, yên bình. Không gian thoáng đãng, mát mẻ, tôi ấn tượng nhất là quà lưu niệm như ấm trà làm từ cây dừa, trái dừa…”.
Ngay cả du khách nước ngoài cũng rất ngạc nhiên, thích thú với Nhà dừa. Anh Morris, du khách đến từ Canada, cho biết, đã đi du lịch qua nhiều nước trên thế giới nhưng Nhà dừa là điểm du lịch tạo cho anh ấn tượng mạnh mẽ nhất và anh sẽ giới thiệu Nhà dừa cho bạn bè khi đến du lịch tại Việt Nam.
Theo chị Dương Diệu Hiền, ý tưởng làm du lịch bằng không gian từ dừa đã thôi thúc chị từ năm 2009. Mãi đến năm 2017, gia đình mới có đủ số lượng cây dừa để bắt tay vào thi công căn nhà, đến năm 2019 mới hoàn thành, chính thức đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch đến tham quan. Trong ngần ấy thời gian, ý tưởng của chị liên tục được vẽ ra trên giấy chứ không phải là bản thiết kế kỹ thuật trên máy vi tính, từng chi tiết được vẽ đi vẽ lại cho đến khi nào vừa ý mới bắt tay vào xây dựng. Do vậy, gia đình chị mất rất nhiều thời gian, công sức. Chính từ những ý tưởng độc đáo, sự chăm chút, tỉ mỉ đã tạo dựng nên Nhà dừa, một không gian đặc sắc từ cây dừa mang nhiều giá trị nghệ thuật, điểm nhấn du lịch cho tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, cho biết, dù là điểm du lịch mới nổi, nhưng chính ý tưởng, sự sáng tạo của chủ nhân căn Nhà dừa đã tạo nên điểm nhấn du lịch, tạo nên một giá trị nghệ thuật tuyệt vời. Nhà dừa trở thành điểm du lịch đặc sắc của cù lao An Bình nói riêng, của tỉnh Vĩnh Long nói chung, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan, trải nghiệm.