Thắng cảnh
Miền Tây Hoành Sơn gồm các xã Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Anh Chu Văn Quốc, một thầy giáo dạy cấp 2 ở huyện Quảng Trạch, kể: “Từ ngày có con đường dài hơn 40km tránh đèo Con, giáo viên đi dạy ở Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Kim không theo đường nhỏ vùng Roòn dưới xuôi lên mà đi trên con đường tránh ấy, vừa thuận tiện vừa được ngắm cảnh đẹp vô biên”.
Để minh chứng, anh Quốc dẫn chúng tôi đi trên con đường mới lạ này. Quả thật, đó là một cung đường mà hàng trăm năm trước chưa xuất hiện trong bất cứ văn bản nào, nó được hoàn thiện mới 3 năm nay, chỉ những người bản địa của 6 xã trên được biết. Vừa đi qua hồ nước lớn, anh Quốc chỉ: đấy là thượng nguồn hồ chứa nước Vực Troòn hơn 80 triệu mét khối, tưới tiêu cho phần hạ du huyện Quảng Trạch. Vào mùa thu, thượng nguồn đẹp như tranh vẽ. Người dân nơi đây thả gia súc, chiều lại trẻ con thổi sáo vang lừng mái núi.
Theo lời của anh Quốc, một vòng cung cảnh sắc mây trời miền Tây Hoành Sơn cứ hiện ra, tạo nên sự cuốn hút của nơi nguyên sơ này. Chạm vào thác Tam Cấp ở xã Quảng Kim, nước từ nguồn cội núi Hoành tạo ra dòng thác 3 cấp như dải lụa dệt mãi tự ngàn năm, hai bên núi rừng ra lộc mùa xuân, tiếng nước cùng tiếng chim hót vang cả một cõi làm cho lòng người bình an quá đỗi.
Bên thác Tam Cấp có đền Cao Các Mạc Sơn thờ tự những võ tướng từng khai cơ lập ấp vùng Tây Hoành Sơn từ hàng trăm năm trước. Anh Quốc kể: “Đền thờ không biết được dựng khi nào, nhưng những người già nơi đây kể rằng các đời trước truyền lại cũng đã hơn 10 đời, thờ tự những vị có công khai phá vùng mà ngày nay con cháu đến chiêm bái. Đền ven hồ chứa nước Vực Troòn nên ai đến cũng được cảnh trí sông nước chiêu đãi mà lòng thấy thư thái”.
Uống chè Kỳ Lạc, nghe chuyện Cần Vương
Đường tránh đèo Con như một dải lụa uyển chuyển giữa vùng trung du đồi núi Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình. Anh Quốc nói, đi trên con đường này, nên ghé Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Thượng có món chè xanh nức tiếng. Nhưng phải là chè xanh Kỳ Lạc của bất cứ gia đình nào được ghé chơi. Nhà cụ Nguyễn Thọ Thuấn (75 tuổi) nép mình bên góc núi, khách khứa như thầy Quốc ghé chơi đều được đãi đằng ấm chè xanh vo tươi từ mấy cây chè cổ sau vườn nhà. Cụ Nguyễn Thọ Thuấn kể: “Chè xanh ở đây là món đặc sản không thể thiếu của dân quê miền Tây Hoành Sơn. Từ nhỏ theo cha mẹ lên núi cũng bới theo ấm chè xanh. Lớn lên đi làm mệt nhọc, có bát nước chè xanh nó mát từ trong ra ngoài. Bây giờ có tuổi, con cháu lo việc chăm sóc rừng, thân già ở lại chăm bón vườn tược, ai đến chơi thì đãi chè xanh. Nhiều người muốn mua về xuôi uống dặm, bà con trong vùng không bán mà tặng chút đỉnh cho nhớ nghĩa tình Hoành Sơn”.
Người Hà Tĩnh mỗi sớm đều uống chè xanh, nhưng chè xanh Kỳ Lạc cao hơn xứ khác trong vùng nên lá đẫm sương mỗi sớm, tạo vị ngọt trong vòm họng, uống một ngụm lại muốn uống ngụm thứ hai, uống ngụm thứ hai lại muốn nhấp ngụm nữa mới đã miệng. Ngồi hầu chuyện cụ Thuấn mới biết, xưa kia, những lãnh binh Cần Vương vùng Hoành Sơn ở Quảng Bình đã từng lên núi Ngồi, một ngọn trong hệ Hoành Sơn, dựng cờ khởi nghĩa, lấy vùng Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Châu rộng lớn làm đất hoạt động. Lần giở những sách xưa, cụ Thuấn kể: “Tây Hoành Sơn từng có những văn thân yêu nước như ông Tú Di Luân, Trần Văn Định, Tạ Bá Hành đã lập căn cứ ở núi Hoành Sơn, liên kết với các lực lượng Cần Vương ở Hà Tĩnh đánh quân thực dân bao phen bạt vía. Nay người đi rừng lên những ngọn núi cao trên rặng Hoành Sơn, vẫn còn thấy những bãi tập binh xưa cỏ mọc lút đầu, những lò rèn vũ khí sót lại dấu tích, nơi ấy cha ông hơn trăm năm trước đã một thời vang bóng”.
Khi đề cập đến con đường khai phá miền Tây Hoành Sơn, ông Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, nói: “Đó là một con đường rất đẹp, cả về thắng cảnh và về phát triển kinh tế. Nó tạo thuận lợi cho du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp vùng đồi núi này mà hàng trăm năm trước chưa ai biết đến. Con đường này cũng đang tạo cú hích cho giao thương kinh tế của 3 xã Quảng Trạch và 3 xã thị xã Kỳ Anh, sản vật địa phương được lưu thông tốt hơn, giá bán tốt hơn nên kinh tế được khởi sắc”. |