Ngày 21-11, tại TPHCM, Công ty Cổ phần Sách Omega Plus đã tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương, do NXB Hà Nội ấn hành. Sách thuộc tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”, được ra đời trên nền tảng là luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thụy Phương, thuộc chuyên ngành lịch sử giáo dục.
Do điều kiện khách quan không thể tham gia buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thụy Phương đã có những chia sẻ với độc giả thông qua một video được gửi từ Pháp - nơi tác giả đang sinh sống và làm việc.
Trong video này, TS. Nguyễn Thụy Phương cho biết, cuốn sách được ra đời nhằm lý giải thêm 2 điểm mà chị cho là then chốt của nền giáo dục thực dân tại Đông Dương. Đó là tìm hiểu nguồn gốc luận thuyết sứ mạng khai hóa, được coi là biểu tượng cho thiết chế thuộc địa của đế chế Pháp. Ngoài ra, chị cũng mong muốn phân tích chính sách đào tạo cản bước tầng lớp tinh hoa Việt.
Vì không có sự tham gia trực tiếp của tác giả nên TS. Bùi Trân Phượng, mặc dù đang trong thời gian dưỡng thương nhưng vẫn nhiệt tình tham gia và trở thành người “cầm trịch” của buổi tọa đàm. Trong tư cách diễn giả khách mời, bằng vốn kiến thức uyên thâm và rộng mở, bà đã có những chia sẻ chi tiết giúp độc giả hiểu hơn về bối cảnh thời đại được đề cập trong dòng chảy lịch sử cũng như những tri thức mà cuốn sách cung cấp.
Theo TS. Bùi Trân Phượng, trong cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa, TS. Nguyễn Thụy Phương đã cung cấp cho độc giả rất nhiều kiến thức mới. Trong đó, phần quan trọng nhất nằm ở chương 1 - Sứ mạng khai hóa và tư tưởng giáo dục.
“Chương sách này chứa đựng đóng góp mới nhất của TS. Nguyễn Thụy Phương vào tri thức về giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa, đó là những tư tưởng chỉ đạo về nền giáo dục của Pháp tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa”, TS. Bùi Trân Phượng nhận định.
Câu chuyện về hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa là một đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua. Với cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa, TS. Nguyễn Thụy Phương đã nỗ lực tổng hợp những nghiên cứu của mình về di sản giáo dục thực dân.
Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này mà tác giả gọi là “huyền thoại đỏ” và “huyền thoại đen” - theo cách gọi của Sử gia Marc Ferro.
Không thể phủ nhận, nền giáo dục của Pháp tại Việt Nam dưới thời thuộc địa đã để lại những di sản nhất định cho xã hội Việt Nam như: Đặt “nền móng cho một hệ thống hợp lý và hiện đại”; Giáo dục cho nữ sinh góp phần thay đổi xã hội; Giáo dục cho con em dân tộc thiểu số, hiện đại hóa trường chùa; Giới tinh hoa bản địa Pháp học được hình thành…
Tuy nhiên, cũng có những “huyền thoại đen” như: Hạn chế số lượng, kiềm tỏa chất lượng, trình độ để nhằm đào tạo người thừa hành và phụ tá; Sau 80 năm vẫn còn hơn 90% dân số mù chữ; Tỷ lệ học sinh thấp (8% tại Việt Nam so với 17% tại Pháp), tỷ lệ tốt nghiệp càng thấp hơn.
“Kết quả này xuất phát từ mâu thuẫn cơ bản trong chính quan điểm của chính quyền Pháp: muốn thực thi sứ mạng khai hóa nhưng lo sợ và ám ảnh khi sứ mạng này lại là phương tiện để trang bị vũ khí tinh thần cho quần chúng bị trị”, TS. Bùi Trân Phượng lý giải.
Cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa mang sức nặng của một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và khách quan. Đây sẽ là một tham chiếu cũng như gợi mở dành cho những độc giả quan tâm đến lịch sử Việt Nam dưới thời thuộc địa, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa, chương trình cũng là dịp để Omega Plus ra mắt "Tủ sách Pháp ngữ" giai đoạn 2 sau thành công của giai đoạn 1 với 15 đầu sách giá trị đã được giới thiệu đến độc giả. Ở giai đoạn 2, tủ sách sẽ có tên gọi mới là “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ” thay cho “Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn Sử Việt” như trước đây. Đặc biệt, trong giai đoạn 2, tủ sách sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới do các học giả đương đại viết, thay vì những ghi chép và tài liệu du ký tản mạn của người nước ngoài tại Việt Nam trước đây. Chủ đề cũng mở rộng hơn như: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật-hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc… |