Dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để đi điền dã, sưu tầm rồi tập hợp thành sách; hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình cùng các cộng sự đã cho độc giả thấy được sự thú vị và giá trị của di sản Nam bộ thông qua gốm và tranh tường Khmer.
Chương trình giao lưu “Tìm về di sản Mỹ thuật truyền thống Nam bộ” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức tại Đường sách TPHCM vào ngày 1-11 nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, trong đó có không ít những người trẻ.
Mỹ thuật truyền thống Nam bộ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Nhắc nhớ sự tài hoa của những nghệ nhân, những vật phẩm thủ công mỹ nghệ và hình ảnh mỹ thuật gắn bó với sinh hoạt thường ngày và trọn cuộc đời của mỗi con người.
Trong nhiều năm qua, với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ các nhà nghiên cứu luôn cố gắng hết sức và tận tâm. Nguyện tận hiến cả cuộc đời, mang đến những giá trị tích góp được đến công chúng, trước sự mai một đã báo động và đang biến mất rất nhanh trong đời sống hiện nay.
Ba cuốn sách mang đến những tư liệu thú vị và độc đáo về mỹ thuật truyền thống Nam bộ
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tác giả đồng thời là chủ biên của nhiều công trình về văn hóa có giá trị. Riêng đề tài về gốm Nam bộ, ông là tác giả của các công trình đặc sắc như: Gốm Sài Gòn (in chung với Lưu Kim Chung và hai cộng sự: Nguyễn Anh Kiệt và Hồ Hoàng Tuấn), Gốm cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa (in chung với Nguyễn Đại Phúc). Riêng công trình Gốm Lái Thiêu đang trong quá trình thực hiện. Còn nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình là tác giả của Tranh tường Khmer Nam bộ. Điều thú vị là tác giả Huỳnh Thanh Bình cũng chính là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.
Tuy là "người một nhà" nhưng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và con gái là Huỳnh Thanh Bình có phong cách nghiên cứu để hiện thực hóa những đề tài văn hóa hoàn toàn độc lập. Cả hai chọn cho mình phong cách truyền tải tư liệu đặc trưng riêng, mở ra nhiều mảng đề tài có giá trị còn hiếm trên địa hạt nghiên cứu. Những ngày "điền dã" chính là việc tự soi lại kiến thức và học hỏi thêm những người dân Việt Nam trên những nẻo đường họ dấn bước.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (thứ hai, từ phải qua) và con gái Huỳnh Thanh Bình tại chương trình giao lưu
Có mặt trong chương trình giao lưu, nhà báo Vũ Gia cho rằng, để làm được cuốn sách như Tranh tường Khmer Nam bộ không phải dễ, đòi hỏi công tác điền dã rất kỹ, phải xuống tận nơi để khảo sát. Đọc sách, độc giả sẽ thấy Huỳnh Thanh Bình đi điền dã rất kỹ, tới gặp các sư ở các chùa, có tranh tường gì, ý nghĩa ra sao, rồi tìm gặp các nghệ nhân để tìm hiểu vì sao lại vẽ như vậy.
“Khi đọc Tranh tường Khmer Nam bộ tôi thực sự cảm thấy thú vị, vì mỗi bức tranh như vậy đều gắn liền với sự tích Phật giáo”, nhà báo Vu Gia dành lời khen.
Đúng như nhận định của nhà báo Vũ Gia, để có thể hoàn thành cuốn sách Tranh tường Khmer Nam bộ, tác giả Huỳnh Thanh Bình đã phải dành 10 năm đi khắp những danh thắng để sưu tầm và chắt lọc tư liệu. Một điều may mắn mà không phải ai cũng nhận được, đó chính là sự ủng hộ của gia đình.
“Khi đi nghiên cứu hay điền dã, tôi cũng đều nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các nhà tài trợ. Nhà tài trợ kim cương là mẹ, còn ba là người chỉ dạy về kiến thức. Mỗi khi không biết gì, tôi đều hỏi ba và lần nào ba cũng đưa sách, hướng dẫn tài liệu để tham khảo, nghiên cứu”, tác giả Huynh Thanh Bình bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và các cộng sự (từ trái qua: Nhà sưu tầm Nguyễn Anh Kiệt, Hồ Hoàng Tuấn và Nguyễn Đức Huy)
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, khi nghe con gái bày tỏ về ý định nghiên cứu về tranh tường Khmer Nam bộ, ông cảm thấy mừng vì đó là đề tài mà ông cũng đã từng ấp ủ nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. “Cuốn sách của Huỳnh Thanh Bình như bổ sung vào khoảng trống, niềm mong ước của tôi”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.
Cùng tham dự trong chương trình, ngoài hai cha con Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình còn có nhà sưu tầm Nguyễn Anh Kiệt, Chi hội trưởng Gốm Nam bộ thuộc Hội Di sản TPHCM cùng các cộng sự trẻ là Hồ Hoàng Tuấn và Nguyễn Đức Huy.
Độc giả quan tâm và thích thú tìm hiểu về gốm và tranh tường Nam bộ
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng lạc quan và dành lời khen ngợi cho những người trẻ. Ông nói: “Việc hiểu biết về gốm sứ không phải ai cũng hiểu hết được bởi vì có những món đồ mà người này có nhưng người khác lại chưa từng thấy, thì không có thể nói được về món đó. Do đó, việc nghiên cứu về gốm, vai trò của từng người đóng góp vào rất quan trọng vì mỗi người có sở trường riêng”.