Terry Bennett là người Anh sống tại London, đã sưu tầm và nghiên cứu nhiếp ảnh Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thế kỷ XIX trong nhiều năm. Ông là một chuyên gia về nhiếp ảnh thời kỳ đầu của vùng Viễn Đông, với kiến thức chuyên môn về những người tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đã từng xuất bản các quyển sách: Early Japanese Images, Korea: Caught in Time và là đồng tác giả của Japan: Caught in Time.
Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam là cuốn sách đầu tiên về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu viết bằng Anh ngữ. Từ khối tư liệu khổng lồ nhưng phân tán trong các kho lưu trữ, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bộ sưu tập của riêng mình, Terry Bennett đã dựng lại con đường ra đời và phát triển của nhiếp ảnh tại Việt Nam kể từ khi những bức ảnh đầu tiên được chụp vào giữa thế kỷ XIX cho đến giữa những năm 1950.
Cuốn sách khắc họa văn hóa rộng lớn của Việt Nam với nhiều dân tộc khác nhau, đồng thời giới thiệu hơn 240 nhiếp ảnh gia và studio trong cùng thời kỳ bên cạnh các phụ lục tập trung vào bưu thiếp, ảnh chân dung hoàng gia.
Phần lớn nội dung của Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam nói về sự nghiệp của các nhiếp ảnh gia người Pháp và các nước khác, những hình chụp và tiệm ảnh của họ tại Việt Nam. Dù vậy, cuốn sách cũng liệt kê rất nhiều hình chụp cùng danh tính của các nhiếp ảnh gia người Việt và tiệm ảnh của họ.
“Nhiếp ảnh thế kỷ XIX không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia thời kỳ này quan tâm đến nghệ thuật và tự thân họ cũng là những nghệ sĩ.
Việc chụp chân dung thời kỳ đầu khó lòng diễn ra nếu người chụp không có đôi chút thấu nhạy nghệ thuật cũng như khả năng đồng cảm với chủ thể. Khác với thời đại kỹ thuật số ngày nay, việc cho ra đời một tấm hình duy nhất vào thế kỷ XIX đòi hỏi công sức và tiền bạc đáng kể”, tác giả chia sẻ.
Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam là một công trình nghiên cứu dày công của tác giả và là bước khởi đầu cho những nghiên cứu đồ sộ hơn sau này. Như Terry Bennett chia sẻ, cuốn sách của ông chỉ nhằm mục đích giới thiệu chủ đề, cung cấp thông tin và tư liệu nghiên cứu.
Các nguồn tài liệu tham khảo cũng chủ yếu là của phương Tây, đặc biệt là Pháp, nên cuốn sách chưa là một pho sử đầy đủ về nhiếp ảnh ở Việt Nam. Dù vậy, nó ít nhất có thể cung cấp một phác thảo ban đầu, một tấm bản đồ sơ khởi ghi chép lại các cung đường nơi nhiều dấu chân đã đi qua.
Công cuộc nghiên cứu vẫn còn dài và sẽ được các nghiên cứu sau này bồi đắp thêm, nhất là từ các nhà nghiên cứu người Việt - những người có thể dễ dàng tiếp cận các bộ lưu trữ địa phương và quốc gia.
“Mặc dù hiện nay ở Việt Nam chưa có một bảo tàng nhiếp ảnh tầm cỡ quốc gia, hay bất kỳ bộ sưu tập nào cho ảnh chụp thời kỳ đầu, tôi cảm nhận rằng người Việt đang ngày một quan tâm hơn đến lịch sử nghệ thuật thị giác (phim ảnh và mỹ thuật) của đất nước. Mối quan tâm này chắc chắn sẽ dẫn đến việc khai phá các nguồn tư liệu chưa từng thấy trước đây ở Việt Nam. Việc kết nối lại các bức ảnh vô danh với tác giả ban đầu của chúng là điều rất đáng làm”, tác giả cho hay.
Dựa trên kinh nghiệm tích lũy từ những quyển viết về nhiếp ảnh Nhật Bản và Trung Quốc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam của Terry Bennett phác họa nên bức tranh đầy đủ, chi tiết của nền nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đến năm 1954.
Đây hứa hẹn là cẩm nang hỗ trợ quý báu cho những ai quan tâm đến lịch sử nhiếp ảnh hoặc những nhà sưu tầm tư liệu, cũng như cung cấp những khung sườn đầu tiên cho các nghiên cứu tiếp theo cùng lĩnh vực.