Chuyển hướng đầu tư
Tuyến đường sắt đầu tiên của Nhật Bản nối Shimbashi (ở Tokyo) và Yokohama được xây dựng vào năm 1872, chỉ 5 năm trước khi Nhật Bản bước vào thời đại Meiji.
Cùng thời gian đó, đường sắt đã được nhìn nhận là một thành phần thiết yếu trong công cuộc kiến thiết nền kinh tế quốc gia. Các tuyến chính trong hệ thống đường sắt Nhật Bản đã được quốc hữu hóa theo Luật Sở hữu quốc gia về đường sắt được công bố vào năm 1906. Theo đó, các công ty tư nhân chỉ được phép tham gia vào các tuyến đường địa phương.
Trong những năm 1960 và 1970, Nhật Bản đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế rất nhanh chóng, với mức tăng trưởng GDP đạt tới 10%/năm. Sau giai đoạn đáng chú ý này, vào những năm đầu thập niên 70, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng ổn định bình quân đạt tốc độ 5%/năm, mặc dù cả thế giới bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Khi giai đoạn tăng trưởng kinh tế bắt đầu, các tuyến đường sắt Nhật Bản đã chuyên chở phần lớn khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hơn hẳn những phương thức vận tải khác.
Nhận thức được điều này, Công ty Đường sắt quốc gia Nhật Bản đã chủ động đầu tư vào việc cải tiến công nghệ nhằm tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt, như việc sử dụng đường đôi và điện khí hóa. Tuy nhiên, việc tăng năng lực ngành vận tải đường sắt không giúp cho đường sắt cạnh tranh nổi với vận tải đường bộ và hàng không, vì chất lượng dịch vụ của đường sắt không được cải thiện mấy. Dần dần, tỷ trọng hàng hóa do đường sắt đảm nhiệm vận chuyển giảm xuống khi mà mạng lưới đường cao tốc phát triển và các loại xe cơ giới trở thành đối thủ cạnh tranh quyết liệt với đường sắt bằng các dịch vụ “từ cửa đến cửa” khiến ngành vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn.
Vì những lý do trên, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để tái thiết hệ thống đường sắt quốc gia. Với mô hình tổ chức đồ sộ, bộ máy quản lý quá cồng kềnh, lực lượng lao động có đến hơn 300.000 người trải dài trên khắp các vùng lãnh thổ có đường sắt nên việc điều hành quản lý sản xuất thiếu tính linh hoạt, kém hiệu quả. Hơn nữa, mô hình quản lý của ngành đường sắt là một tập đoàn công cộng, thiếu tính nhất quán trong bộ máy quản lý đã làm cho việc ứng dụng những công nghệ mới vào ngành đường sắt trở nên ngày một khó khăn hơn.
Đường sắt quốc gia Nhật Bản thực sự đi vào khủng hoảng và đến năm 1987 phải thực hiện giải pháp tư nhân hóa. Từ một công ty vận tải đường sắt quốc gia được phân chia thành 6 công ty vận tải hành khách và một công ty vận tải hàng hóa thực hiện mô hình tư nhân quản lý. Sau đó, các công ty đã chú trọng đầu tư vào cải thiện toàn bộ trang thiết bị cho ngành đường sắt. Hướng đầu tư chuyển từ việc tăng năng lực vận tải sang nâng cao chất lượng dịch vụ tạo nên tính thuận lợi và thoải mái.
Biểu tượng quốc tế
Nhật Bản là quốc gia làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Shinkansen (nghĩa là đường huyết mạch mới) và tên gọi này đã trở thành biểu tượng quốc tế về cả tính hiệu quả lẫn tốc độ. Tuyến đường được khai trương vào năm 1964 nối Tokyo với Osaka. Tốc độ tối đa của tàu vào khoảng 320km/giờ. Tốc độ khi chạy thử trên đường ray thông thường vào năm 1996 là 443km/giờ và đạt kỷ lục 581km/giờ năm 2003. Nhật Bản với 4 hòn đảo chính kéo dài khoảng 2.900km từ đầu tới cuối, hành trình giữa các thành phố chính dài và thường quanh co. Vào năm 1889, thời gian cho chuyến hành trình từ Tokyo đến Osaka (dài khoảng 500km) mất 16 giờ rưỡi đi tàu, đến năm 1964 với tàu Shinkansen thời gian là 4 giờ, nay chỉ mất 2 giờ 25 phút. Trong năm 2017, riêng tuyến Shinkansen Tokaido (Tokyo - Osaka) đã vận chuyển 159 triệu hành khách, vận hành 13 chuyến tàu/giờ, chở hơn 1.300 hành khách mỗi chuyến.
Có 8 tàu Shinkansen chạy trên các tuyến đường dài 2,387km, hoàn toàn độc lập với các tuyến tàu chạy ngắn metro. Shinkansen chiếm phần lớn hoạt động giao thông đường dài tại Nhật Bản, với hơn 10 tỷ lượt hành khách trên tất cả các tuyến. 1.114 chuyến chạy hàng ngày, chuyến nhanh nhất là với các đầu máy JR Đông R5 và E6, vận hành tốc độ tối đa 320km/giờ. Tàu Shinkansen còn là biểu tượng của sự an toàn, không có tai nạn liên quan đến việc hành khách chết hoặc bị thương nào trong suốt 55 năm mạng lưới tàu Shinkansen đi vào hoạt động. Shinkansen cũng nổi tiếng vì rất đúng giờ, trong năm 2003, trung bình thời gian trễ mỗi tàu Shinkansen chỉ là 6 giây. Thế hệ tàu cao tốc tiếp theo, được gọi là ALFA-X, đang được thử nghiệm với tốc độ gần 400km/giờ với công nghệ mới an toàn hơn được thiết kế giảm độ rung, tiếng ồn và giảm khả năng trật bánh trong các trận động đất lớn.
Nhiều nước đã theo gương của Nhật Bản và xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc mới. Nổi tiếng nhất trong số này là Pháp - đã vận hành tàu cao tốc TGV giữa Paris và Lyon từ năm 1981. Giống như Nhật Bản, Pháp đã xuất khẩu thành công công nghệ này sang các nước khác, bao gồm cả mạng lưới tàu cao tốc dài nhất châu Âu ở Tây Ban Nha, Bỉ, Hàn Quốc, Anh và gần đây nhất là đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Phi ở Morocco.
Italy, Đức, Hà Lan, lãnh thổ Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Arabia Saudi hiện khai thác nhiều tàu trên các tuyến chuyên dụng nối liền các thành phố lớn của họ, cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không trên các tuyến nội địa và quốc tế. Ở Anh, các chuyến tàu Eurostar tốc độ cao chạy từ London đến Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Amsterdam (Hà Lan).
Hiện tại, tàu cao tốc mới nhất dành cho hành khách nội địa của Anh là Intercity Express Trains (tàu tốc hành liên tỉnh) mới do Hitachi chế tạo, sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, dù chúng chỉ chạy với tốc độ tối đa 201km/giờ. Ấn Độ và Thái Lan cũng đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc vào những năm 2020. Ngay cả Mỹ, nơi người ta thường thích đường bộ và đường hàng không cho các chuyến đi dài, cũng đã có kế hoạch cho các tuyến đường sắt cao tốc ở California và Texas. Virgin Trains đang lên kế hoạch mở rộng một tuyến đường hiện có nối liền Miami và West Palm Beach để liên kết với Orlando cũng như nâng cấp đường ray cũ để cho phép tàu chạy ở tốc độ 177km/giờ.
Nhật Bản có một hệ thống đường sắt chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 27.000km, nối liền các đảo chính Honshu, Hokkaido, Shikoku và Kyushu bằng một hệ thống 119.854 cây cầu với tổng 2.678km chiều dài vượt sông, vượt biển, cùng 4.764 đường hầm qua núi qua biển. Đường hầm Seikan thuộc tuyến tàu JR Tsugaru Kaikyo dài tới 53,85km, ở sâu 148m dưới lòng vịnh Tsugaru, là đường hầm dài nhất trên thế giới. Mỗi năm đường sắt Nhật Bản chuyên chở 22,65 tỷ lượt hành khách. Nếu chia đều cho 125 triệu dân, bình quân mỗi người dân đi 200 chuyến tàu/năm. Gần 60% lượng hành khách đường sắt là di chuyển gần hoặc trong phạm vi trung tâm những đô thị lớn. |