Miles J. Unger là cây bút chuyên về nghệ thuật, sách và văn hóa cho các tạp chí lớn như The Economist và The New York Times. Ông từng là trưởng ban biên tập của Tạp chí Art New England và là cây bút tiểu sử nghệ thuật nổi tiếng.
Trước Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt, độc giả Việt Nam từng biết ông với các tác phẩm như: Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời, Machiavelli.
Picasso thường được biết đến như một thiên tài, một bậc thầy sáng tạo của thế kỷ 20. Tên tuổi ông gắn liền với sự ra đời của trường phái lập thể - bước chuyển đột phá trong dòng chảy nghệ thuật nói chung và nghệ thuật hiện đại nói riêng.
Người ta thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo - người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân; nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông.
Giống như nhiều vĩ nhân (và với Picasso, còn là người có phần riêng tư kín đáo), song hành cùng danh tiếng của ông là vô số các giai thoại, các câu chuyện liên quan tới tác phẩm, rồi cả những tin đồn, như việc yêu đương, thói trăng hoa, quan điểm chính trị, hay bị nghi ngờ là đồng phạm trong vụ trộm bức tranh Mona Lisa táo tợn ở bảo tàng Louvre… càng khiến hình tượng “thiên tài” của Picasso thêm phi thường, bí ẩn, và đặc biệt gây tranh cãi.
Mâu thuẫn, bất ổn, đòi hỏi, ngang ngược, và u ám… càng lắm tài nhiều tật, càng có thêm nhiều người quan tâm, chú ý cũng như nhiều nỗ lực tường giải về con người, cuộc đời và nghệ thuật phi thường của Picasso.
Các tác phẩm của Picasso thường được phân loại theo các thời kỳ khác nhau, trong đó có giai đoạn từ 1909 đến 1919 được chú ý hơn cả bởi đây là thời kỳ mà Picasso phát triển phong cách vẽ lập thể mà sau này trở thành một trường phái hội họa - cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc châu Âu vào đầu thế kỷ 20 và là nguồn cảm hứng vô tận cho những thế hệ sau trong các lĩnh vực khác như kiến trúc, nội thất…
Chủ nghĩa lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không-thời gian trên mặt phẳng tranh, mà bức tranh Những cô nàng ở Avignon (1907) đầy táo bạo đã đánh dấu thời khắc ấy.
Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt là một tác phẩm tiểu sử nhưng giới hạn thời gian “cụ thể”, thay vì kể về câu chuyện cuộc đời theo dòng chảy thời gian một cách đơn thuần, tác giả chọn một điểm quy tụ (là thời khắc sáng tạo nên bức Những cô nàng ở Avignon) để thêu dệt nên những tình tiết quy chiếu có tác động đến thời khắc đó, đồng thời kiến tạo các mặt lập thể cho hình tượng người nghệ sĩ là tác giả của điểm tụ đó, cũng như cho đối tượng chính là bức tranh.
Qua hơn 500 trang sách, cùng lối kể chuyện và phân tích tỉ mỉ đặc trưng của tác giả, cuộc đời 91 năm của Picasso nay hiện ra như một bức tranh ký ức khổng lồ: nó cho phép độc giả quan sát một cách đồng thời, bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của một nghệ sĩ thiên tài bậc nhất thời Hiện đại, nằm trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật.
Và không chỉ dừng ở một cuốn tiểu sử nghệ sĩ đơn thuần, Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt khắc họa chân thực hình ảnh một con người hết sức con người, một kẻ cả đời chiến đấu với những gì tăm tối nhất trong nội tâm, bắt chúng phải trở thành năng lượng cho các “sáng tạo” của ông.