Đinh Hằng sinh năm 1987, đã có thâm niên dọc ngang thế giới hơn 10 năm, là người viết, người chụp ảnh. Năm năm trước, cô đã rất thành công với Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ. Và nay, chuyến đi và hành trình tìm lại, nhìn nhận lại giá trị của bản thân, của sự sống ấy đã kết thúc ở đây, giữa thủ đô đảo quốc Cuba bằng cuốn sách Người tình Havana.
Với trải nghiệm máu thịt của Đinh Hằng trong Người tình Havana, cuốn sách là hành trình của người phụ nữ tự hào đã đi qua nhiều sóng gió, đã tỉnh thức ở dưới đáy sâu cuộc đời, và đã thoát xác để sống một đời không bao giờ phải hối tiếc về sau.
Những chiêm nghiệm trong sách đầy giá trị đối với những người đọc cũng đang đi cùng một hành trình với tác giả - dấn thân vào thế giới, những cung đường và đồng thời vào câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại.
Sự dũng cảm để sống cuộc đời mà mình không giờ phải hối tiếc về sau: Người tình Havana là câu chuyện của những phụ nữ trên dưới ngưỡng 30, độc thân hay đã có gia đình, luôn luôn muốn được tự do lựa chọn hạnh phúc, tình yêu, và cuộc sống của chính mình.
Có những người đi tìm tình yêu cả cuộc đời mình, không nhận ra có những tình yêu lớn hơn cả tình yêu. Thứ tình yêu quan trọng nhất và cũng khó học nhất trên cõi đời này không phải là tình yêu dành cho người bạn đời, mà là tình yêu cuộc sống và tình yêu dành cho chính bản thân mình.
Chính vì lẽ đó, có thể gọi Người tình Havana là phần tiếp theo của Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ. Bởi cuốn sách là sự tiếp nối những gì đã xảy ra trong cuốn sách trước. Tuy nhiên, vì trải qua rất nhiều năm cho đến khi bản thảo hoàn chỉnh, cô gái dữ dội và mạnh mẽ của Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ ngày ấy đã trở thành người phụ nữ nồng nàn và mẫn tuệ trong Người tình Havana. Chỉ có duy nhất một thứ không hề thay đổi, đó là sự quyết liệt trong việc lựa chọn cuộc sống của chính mình.
Tác giả Đinh Hằng chia sẻ: “Tôi đã trở đi trở lại Cuba 3 lần trong 7 năm mới có thể hoàn thành cuốn sách này. Thậm chí có nhiều lúc, tôi đã nghĩ mình không thể hoàn thành được bản thảo, vì đây quả thực là một cuốn sách khó viết.
Tôi đã có rất nhiều ngày đi lang thang khắp các ngõ ngách của Havana để cảm nhận và ghi chép. Có nhiều buổi chiều, tôi đến đúng một nơi, ngồi đúng một chỗ là pháo đài Morro-Cabaña giữa biển, nhìn về phía Havana bên kia bờ vịnh, chỉ để quan sát sự chuyển động màu sắc đầy rực rỡ của thành phố trong giấc hoàng hôn. Hoặc việc miêu tả những đường nét yêu kiều, duyên dáng đầy cầu kỳ của các công trình kiến trúc cổ ở Havana cũng đòi hỏi nhiều ngày quan sát, ghi chép và miêu tả tỉ mỉ”.
Đọc Người tình Havana, độc giả biết được một số điều ít ai nói tới về Cuba, có được bức tranh gần với thực tế hơn về nó. Và, biết mặt tối của Cuba, bạn vẫn muốn đến đó, vẫn sẵn sàng phải lòng Cuba, vẫn mơ đến một ngày mình lưu luyến Cuba.