Khám phá chân dung âm nhạc của tác giả “Hò kéo pháo”

“Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau…”- cuốn tiểu sử  âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân vừa hoàn thành và được NXB Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc. 

 

Ở đó, những người yêu mến nhạc sĩ "Hò kéo pháo" có thể hình dung bức chân dung âm nhạc đầy cảm xúc của người nhạc sĩ tài hoa qua góc nhìn của chính con gái ông, Tiến sĩ Lê Y Linh.

Với tư cách một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, TS Lê Y Linh "phục dựng" cuộc đời của ông bằng phương pháp khoa học hiện đại. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lý lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, ký ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. 

Khám phá chân dung âm nhạc của tác giả “Hò kéo pháo” ảnh 1 “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”- tác giả cuốn sách chia sẻ.
Với quan niệm đó “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau…” không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư−một nhà văn hóa−một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945. Năm 1953, tác phẩm Hò kéo pháo ra đời. Tác phẩm tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu. Từ tác phẩm này, phong cách âm nhạc Hoàng Vân đã hình thành và định hình, đó là nghệ thuật được ông chưng cất lên từ những lấm láp hiện thực để lấp lánh như những viên kim cương dưới ánh mặt trời. Cái nhìn sử thi này còn bao trùm khi viết về những người lao động như Tôi là người thợ lò, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca xây dựng… ông cũng đều đã có được cái nhìn anh hùng ca mang tầm thời đại.
Khám phá chân dung âm nhạc của tác giả “Hò kéo pháo” ảnh 2 Tác giả Lê Y Linh hi vọng: “Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này cũng giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mỹ”.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân không ghi nhật kí, không viết hồi kí, nên để có được các tư liệu về cha, cô đã phải tìm tòi, sưu tầm tác phẩm của ông tại Đài tiếng nói Việt Nam nơi ông đã làm việc trong phần lớn cuộc đời. Gặp gỡ những người đã sống đã có dịp làm việc tiếp xúc với nhạc sĩ để kiểm chứng về các nguồn thông tin tài liệu.
Viết về cha, nhưng TS Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan trong nhận xét đánh giá, hoàn thành tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cô đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, nhà nghiên cứu như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… 

Cũng trong dịp này, Viện Âm nhạc cũng cho ra mắt cuốn sách “Hoàng Vân Nhạc và Đời” với gần hai mươi bài khảo cứu về nhiều khía cạnh trong tác phẩm của Hoàng Vân. Cuốn sách giúp chúng ta có được cái nhìn, bước đầu nhưng cũng là tổng hợp, về phong cách Hoàng Vân. Hai cuốn sách về nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ là món quà ý nghĩa dành cho bạn đọc và người yêu nhạc trong dịp đầu Xuân này.

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, là con út trong một gia đình tư sản trí thức, từ rất nhỏ đã được tập và chơi rất nhiều nhạc cụ như: piano, violon, violoncelle, kèn clarinette… Năm 1946, khi 16 tuổi, giã từ Hà Nội, chàng trai Lê Văn Ngọ mang theo cây kèn harmonica đi theo kháng chiến. Với vốn liếng học nhạc thuở nhỏ, ông bắt đầu sáng tác các bài hát đầu tiên. 

Tin cùng chuyên mục