Khám phá các điểm xanh tại khu di sản Huế

Nhiều sản phẩm, tour tuyến du lịch xanh và thân thiện môi trường đã được khai thác tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Cùng với đó, nhiều hoạt động và giải pháp về giao thông, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilong… đã góp phần xây dựng các điểm đến xanh và bền vững tại khu di sản Huế.

Tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường

Lăng mộ vua Gia Long có tên gọi khác là Thiên Thọ Lăng, được xây dựng trong 6 năm (1814-1820). Tổng thể lăng nằm trong một vùng núi hoang sơ, sơn thủy hữu tình thuộc thôn Định Môn, xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn bộ quần thể lăng gồm 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, trước lăng nổi bật là núi Đại Thiên Thọ nằm án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm.

11-1.jpg
Khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long

Lăng vua Gia Long còn là điểm tham quan hấp dẫn về cảnh quan sinh thái, văn hoá và tâm linh. Cấu trúc tổng thể lăng vua Gia Long thực chất là một quần thể di tích rộng lớn có quy mô hàng trăm hécta, trong đó có rất nhiều công trình kiến trúc di tích văn hoá và tâm linh hết sức có giá trị nằm xen lẫn vào trong không gian cảnh quan rộng lớn với núi non trùng điệp hùng vĩ, lồng trong khung cảnh ruộng đồng và cây xanh bạt ngàn, tạo nên một hệ sinh thái cảnh quan rất thơ mộng, thanh bình hiếm nơi nào có được.

Nhằm góp phần xây dựng, phát huy và quảng bá giá trị khu di sản văn hóa Huế là điểm đến tham quan hấp dẫn, thể hiện tính văn minh, tiện ích trong chuỗi di sản thế giới của khu vực miền Trung và cả nước; Phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh; nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ du lịch; tạo thêm điểm nhấn và sự tiện lợi trong hành trình tham quan tại khu di tích lăng vua Gia Long; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long vào phục vụ khách tham quan.

Chị Nguyễn Thị Minh Hà, đến từ TPHCM cùng người thân đã có chuyến tham quan thú vị tại quần thể di tích lăng Gia Long khi chọn thêm dịch vụ xe đạp điện trợ lực để di chuyển. Chị Hà chia sẻ: “Nhờ có dịch vụ xe điện mà đoàn chúng tôi di chuyển thuận lợi hơn nhiều khi tham quan di tích lăng Gia Long rộng lớn. Đồng thời, đi xe đạp ngắm cảnh giữa không gian xanh và thơ mộng của di tích đã mang lại nhiều cảm giác thú vị”.

Còn theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Lăng vua Gia Long là một điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Việc đưa vào hoạt động tuyến du lịch xanh thể hiện sự tiện ích của điểm đến di sản này; tạo điểm nhấn, sự tiện lợi trong hành trình tham quan, làm phong phú sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm phát triển theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh.

Hiện khu vực lăng vua Gia Long đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa. Không gian nơi đây trong lành, được phủ nhiều cây xanh, hồ nước, rất thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thời gian đầu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đầu tư gần 80 phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện, ô tô điện để giúp bù đắp khoảng 32kg khí thải CO2 và 40 cây xanh hàng năm, hướng đến thực hiện cam kết hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 về giảm thiểu khí thải, loại bỏ sản xuất điện bằng than vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng năm 2030.

4.jpg
5.jpg
Du khách tham quan lăng Gia Long bằng xe đạp điện trợ lực

Du khách thích thú khi trải nghiệm di sản Huế bằng xe đạp

Thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan các điểm di tích Huế, trong đó khách quốc tế là khoảng 855.000 lượt, nguồn thu từ bán vé tham quan đạt hơn 318 tỷ đồng.

Cùng với việc khai thác các sản phẩm văn hóa du lịch bằng công nghệ, tour du lịch xanh, trải nghiệm xe điện tại các điểm tham quan khu di sản Huế đã và đang hướng đến sự phát triển xanh và bền vững theo xu hướng chung của thế giới và Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm qua, với định hướng xây dựng điểm đến xanh - sạch - sáng, tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường như: Các điểm bán hàng lưu niệm nói không với túi nilong và sử dụng túi giấy để đựng quà, hàng cho du khách; các điểm kinh doanh dịch vụ, giải khát hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần; bố trí các thùng rác thân thiện tại các điểm tham quan để tập kết, phân loại rác theo quy định… Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ và đồng hành triển khai những hoạt động góp phần hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn không gian xanh tại các điểm di tích Huế.

Ghi nhận, từ năm 2023 đến nay, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do WWF tài trợ) đã tổ chức lắp đặt 9 trạm nhà chờ tiếp nước phục vụ cộng đồng và du khách tại các di tích tham quan, điểm đến du lịch ở TP Huế, trong đó có 5 điểm tại các di tích như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” thông tin: “Sau khi triển khai trạm chờ tiếp nước ở các di tích tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, chúng tôi nhận thấy rằng đây là hoạt động bền vững, phù hợp với nhu cầu của du khách và cộng đồng. Khách du lịch có thể mang theo bình đựng cá nhân để lấy nước tại trạm chờ tiếp nước, hoặc có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi. Qua đó, hạn chế việc dùng nước chai nhựa sử dụng một lần, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Thời gian qua, việc triển khai trạm chờ tiếp nước ở các di tích Huế đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực và xây dựng hình ảnh du lịch Huế xanh, thân thiện môi trường”.

2d.jpg
Trồng cây xanh tại khu di sản Huế

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã làm việc với Công ty TNHH Việt PM để lên kế hoạch triển khai vận hành rộng rãi xe đạp điện trợ lực phục vụ cộng đồng và du khách trên địa bàn TP Huế.

Dự kiến, sẽ bổ sung thêm 260 chiếc xe điện trợ lực, tập trung nhiều ở các điểm đến tham quan di tích và các khu vực xung quanh Hoàng thành Huế như: Ngọ Môn, Thượng Thành, Eo Bầu Nam Xương, Eo Bầu Nam Thắng, đường Đoàn Thị Điểm, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân…

Đặc biệt, việc vận hành xe đạp này sẽ góp phần phát triển du lịch ở khu vực Thượng Thành hiện đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế chỉnh trang, xây dựng sản phẩm du lịch.

Vì một Việt Nam xanh

Hưởng ứng chủ trương trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm triển khai thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, thời gian qua, lăng vua Gia Long được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung trùng tu tôn tạo cảnh quan hoàn chỉnh để phục vụ khách tham quan. Việc trồng cây xanh nhằm phát triển cảnh quan thiên nhiên, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng cường bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học cho khu di sản.

Đồng thời, trồng cây còn mang lại nguồn lợi to lớn, lâu dài cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan môi trường di tích cũng như đóng góp vào việc bảo tồn Di sản Cố đô Huế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, di sản Huế được xem là kiểu kiến trúc cảnh quan hết sức đặc biệt, mà trong đó, hệ thống cây xanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm tôn lên nét đẹp của các công trình kiến trúc, tạo cho các khu Di sản Huế sự sống động, tinh tế.

Sự kết hợp hài hoà giữa các công trình kiến trúc giàu tính thẩm mỹ và yếu tố cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đã làm cho các khu Di sản Huế trở thành một "Kiệt tác về thơ và kiến trúc đô thị".

"Sau đợt phát động tết trồng cây lần này, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhằm triển khai các hoạt động trồng cây xanh bản địa tại các điểm di tích còn lại nhằm đảm bảo các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích không còn bị xâm chiếm trái phép, rừng cảnh quan tại các điểm di tích ngày càng được tôn tạo thêm và cảnh quan môi trường tại các điểm di tích ngày càng xanh sạch đẹp", ông Trung nói.

Tin cùng chuyên mục