Ngày 3-11, ông Nguyễn Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vừa mời các lực lượng Công an huyện, Viện KSND huyện, chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức đợt kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ 5 cá thể voọc chà vá bị bắn chết tại khu vực rừng thuộc thôn Kon Dốc (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ).
Bước đầu, ngành chức năng xác định vị trí 5 cá thể voọc bị bắn chết nằm ở khu vực rừng thuộc tiểu khu 426, thuộc sơn phận xã Ba Trang (huyện Ba Tơ). “Lực lượng chức năng đưa 2 nghi phạm vào khu vực rừng để tái hiện lại vụ việc, khám nghiệm cụ thể hiện trường. Từ đây làm cơ sở để cơ quan điều tra củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật”, ông Đại cho hay.
Trước đó, đêm 8-10, tổ công tác liên ngành UBND xã Ba Trang tổ chức kiểm tra bảo vệ rừng tại thôn Kon Dốc thì phát hiện 2 đối tượng điều khiển 2 xe máy có biểu hiện nghi ngờ nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Phát hiện đơn vị chức năng, cả 2 đối tượng bỏ tang vật, tháo chạy vào rừng để lẩn trốn. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có 2 ba lô bên trong chứa 5 cá thể voọc nghi loài voọc chà vá chân xám đã chết (trọng lượng từ 8 - 15 kg/cá thể).
Ngoài ra, lực lượng chức năng thu giữ tang vật khác, gồm: 1 xe máy, 1 bình hơi dùng để nạp hơi cho súng hơi tự chế), 53 viên đạn chì, 1 ống giảm thanh...
Theo kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, xác định 5 cá thể voọc chà vá chân xám, thuộc bộ linh trưởng nhóm cực kỳ quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Cả 5 cá thể voọc sau đó được bảo quản, cấp đông tại kho bảo quản tang vật vi phạm của Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ để phục vụ quá trình điều tra, làm rõ vụ việc.
Sau khi có thông tin về vụ việc, ngày 20-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương điều tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình điều tra, ngành chức năng xác định 2 đối tượng bắn chết 5 cá thể voọc trên, gồm: Phạm Văn A Long (31 tuổi) và Phạm Văn Tên (25 tuổi, cùng ngụ xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).
Bước đầu, các đối tượng khai nhận sử dụng súng bắn chết 5 cá thể voọc và 1 con sóc bay để mang về lấy thịt, dự trữ làm thức ăn.
Được biết, đàn voọc chà vá chân xám ở khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 426 (lâm phận xã Ba Trang) có khoảng 30 - 40 con đã sinh sống theo bầy đàn, di chuyển chỗ ở thường xuyên. Trước đó, nhiều người dân địa phương đi rừng thường phát hiện thấy đàn voọc đi ăn, nhưng hiện ngành chức năng chưa thể xác định cụ thể phạm vi đàn voọc này sinh sống. “Về lâu dài, ngành chức năng sẽ điều tra, xác định rõ tình hình và phạm vi sinh sống, hoạt động của đàn voọc này để có giải pháp bảo vệ”, ông Đại cho hay. |