Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Loay hoay với giấy chuyển tuyến

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó quy định không cần giấy chuyển tuyến lên cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, thực tế qua 2 tuần triển khai, nhiều người bệnh vẫn loay hoay!

Hiểu nhầm quy định

Bắt xe khách lên TPHCM từ 3 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Hà (41 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đưa cha ruột bị ung thư đại tràng lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 khám bệnh. Theo chị Hà, việc xin giấy chuyển tuyến rất tốn thời gian, đôi khi mất cả một ngày chờ đợi nên người bệnh lớn tuổi rất mệt mỏi. Vì thế, khi nghe tin người mắc bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến, cha chị lập tức đồng ý lên TPHCM điều trị chuyên sâu.

N4b.jpg
Người bệnh chờ làm thủ tục khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy

“Đến khi lấy số làm thủ tục, nhân viên y tế giải thích rằng bệnh ung thư đại tràng vẫn cần giấy chuyển tuyến của bệnh viện tỉnh thì mới được hưởng đủ BHYT. Tôi định chuyển sang khám dịch vụ nhưng cha sợ tốn tiền nên lại về quê, chờ làm đầy đủ thủ tục sau”, chị Hà thất vọng nói.

Anh Nguyễn Văn Tùng (ngụ tỉnh Long An) cũng rơi vào tình huống tương tự vì hiểu nhầm quy định khi đưa người nhà đến bệnh viện khám ung thư dạ dày. “Lên đến nơi mới biết ung thư dạ dày không được miễn giấy chuyển tuyến. Tôi cứ nghĩ tất cả bệnh ung thư là bệnh hiểm nghèo và được hưởng quyền lợi như nhau”, anh chia sẻ.

Khi quy định mới về giấy chuyển tuyến theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT (Thông tư 01) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nhiều người bệnh ung thư cứ nghĩ rằng ung thư là bệnh hiểm nghèo nên không cần giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, theo quy định, việc miễn giấy chuyển tuyến khi đến bệnh viện cấp chuyên sâu chỉ áp dụng theo danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do Bộ Y tế ban hành.

Trong danh mục này có nhiều bệnh lý nghiêm trọng, như: nhóm bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng nguy hiểm (viêm màng não do lao, u lao màng não, nhiễm nấm ở phổi); nhóm bệnh u ác tính (ở tụy, tuyến ức, tim, trung thất, màng não, hệ lympho, hệ tạo máu); bệnh đái tháo đường có đa biến chứng; một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa; một số dị tật bẩm sinh; lupus ban đỏ; ghép tạng; phẫu thuật thay van tim; bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ; thương tật vĩnh viễn…

Lo người bệnh vượt tuyến tăng đột biến

Theo BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, những quy định mới trong Thông tư 01 của Bộ Y tế tạo ra những thay đổi có chiều hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT, giảm bớt chi phí đi lại và rút ngắn thời gian chờ đợi. Trong ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 01, bệnh viện tiếp nhận hơn 800 lượt khám chữa bệnh BHYT, gần 50 trường hợp tự đến khám chữa bệnh thuộc nhóm 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được giải quyết quyền lợi hưởng BHYT.

N1e.jpg
Quy định mới về bỏ giấy chuyển tuyến với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo mang lại thuận lợi lớn cho người bệnh. Ảnh: GIAO LINH

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng nhận xét, công tác tổ chức tiếp đón, xác định đúng đối tượng người bệnh thuộc danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo cũng mất nhiều thời gian hơn trước. Ngoài ra, dự báo trong thời gian tới, số lượng người bệnh có thể tăng cao do người bệnh vượt tuyến với các bệnh không cần giấy chuyển tuyến. “Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã tăng cường nhân sự tiếp đón, giải thích quyền lợi BHYT của người bệnh theo hướng dẫn mới, chuẩn bị nhân sự tại các khoa lâm sàng sẵn sàng tham gia hỗ trợ nếu người bệnh tăng đột biến”, BS Diệp Bảo Tuấn nói.

Trong khi đó, để thuận tiện cho người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy bố trí nhân viên trực tiếp tư vấn tại các quầy tiếp đón về thủ tục giấy chuyển tuyến. Fanpage của bệnh viện cũng cập nhật chi tiết các loại bệnh không cần giấy chuyển tuyến, giải đáp thắc mắc của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể gọi điện thoại đến tổng đài của bệnh viện để được tư vấn về giấy chuyển tuyến trước khi đến thăm khám để tránh mất thời gian, công sức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết, Thông tư 01 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và đồng bộ với các quy định mới của Luật Khám chữa bệnh và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Người bệnh cần tìm hiểu bệnh viện sẽ đến khám và điều trị là thuộc cấp chuyên sâu hay cơ bản, loại bệnh lý nào được miễn giấy chuyển tuyến để đảm bảo quyền lợi BHYT của bản thân.

Xếp cấp 48 bệnh viện thuộc Bộ Y tế để người dân chuyển tuyến thuận lợi

Bộ Y tế vừa công bố kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của 48 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để người bệnh tham gia BHYT thuận lợi trong việc chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Theo quy định hiện hành, hệ thống khám chữa bệnh ở nước ta được phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, gồm: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, thay vì phân tuyến như trước là xã, huyện, tỉnh và trung ương. Trong 48 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được công bố kết quả xếp cấp chuyên môn kỹ thuật, có 4 bệnh viện được xếp cấp chuyên sâu kỹ thuật cao, gồm các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Cùng với đó là 25 bệnh viện được xếp cấp chuyên sâu, trong đó tại Hà Nội có các bệnh viện Việt Đức, Nhi Trung ương, E, K…; tại TPHCM và một số địa phương khác có 5 bệnh viện gồm: Răng hàm mặt Trung ương TPHCM, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, C Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Số bệnh viện còn lại được xếp cấp cơ bản.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc công khai kết quả xếp cấp của từng bệnh viện thuộc Bộ Y tế là cơ sở để người dân và các cơ sở tuyến dưới thuận tiện hơn trong việc chuyển tuyến cho người bệnh đến đúng địa chỉ, đảm bảo thực hiện Thông tư 01 đúng quy định.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục