“Khai tử” xe công nông, nông dân khốn đốn

“Khai tử” xe công nông, nông dân khốn đốn

Từ ngày 1-1-2008 cùng với các loại xe 3 bánh, xe công nông đã chính thức bị “khai tử”...

“Khai tử” xe công nông, nông dân khốn đốn ảnh 1
Xe công nông chở rơm cao  ngất đang lưu thông trong thị trấn Hóc Môn.

Anh Nguyễn Văn Hồng, ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi trước đây sắm xe công nông để chạy dịch vụ chở phân bón, lúa thóc, lá dừa… cho người trong xã giờ chuyển sang chở rơm khô đi bán than vãn với tôi: “Hồi nào giờ, cả gia đình 6 miệng ăn nhờ vào chiếc xe này rong ruổi khắp con đường ở nông thôn. Giờ nghe có lệnh cấm sử dụng, nếu muốn tiếp tục với dịch vụ chạy thuê mướn thì chuyển sang xe tải nhỏ…

Tôi nghe tá hỏa, vốn liếng chỉ có chiếc xe, làm bữa nào xào bữa đó thì lấy đâu ra cả trăm triệu đồng để đổi xe tải nhỏ. Mà đã cấm lưu thông rồi thì bán nó cho ai để có vốn đổi phương tiện mới?”. Thật ra tâm trạng của anh Hồng cũng là tâm trạng chung của hàng trăm, hàng ngàn gia đình sống ở các quận ven và huyện ngoại thành chuyên sống với nghề chở thuê mướn bằng xe công nông.

Việc “khai tử” các loại xe công nông, máy cày cải tiến ở các quận ven và huyện ngoại thành cũng làm cho các cơ sở, doanh nghiệp buôn bán vật liệu xây dựng vừa và nhỏ lâm vào cảnh khốn đốn. Anh Thành, tài xế xe công nông chở đất, đá, cát, xi măng… cho cơ sở vật liệu xây dựng T.L ở Tân Quy, Củ Chi nói như mếu: “Cấm xe công nông lưu thông và đổi xe công nông sang các loại xe tải nhẹ chẳng khác nào bắt các cơ sở bán vật liệu xây dựng đóng cửa vậy. Anh rảo quanh xem, tất cả các cơ sở chở vật liệu xây dựng ở ngoại thành nơi nào không dùng xe công nông để giao hàng. Giờ tôi muốn chuyển sang lái xe tải nhẹ thì phải mất cả năm trời đi học lái xe. Chưa hết, có bằng lái xe rồi nhưng lấy đâu ra tiền để mua xe… Càng nghĩ, càng không có lối thoát cho giới chạy xe công nông kiếm cơm hàng ngày như chúng tôi”.

  • Và không ít hiểm họa từ xe công nông

Xe công nông hiện nay là loại phương tiện chuyên chở phổ biến nhất trên các tuyến đường vùng ven, ngoại thành. Ngoài chở rơm, chở cỏ, chở phân bón, lá dừa, hiện nay các cửa hàng vật liệu xây dựng còn sử dụng chở gạch ngói, sắt thép, xi măng… Tuy nhiên, cũng công bằng mà nói, khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc như quốc lộ, tỉnh lộ, đường trong khu dân cư…, những chiếc xe này  không an toàn. Đó là chưa kể, các bác tài-vốn là những thanh niên “Hai Lúa”, rất ít người có bằng lái xe - thế nhưng cứ ngồi vào vô lăng là kéo hết ga.

Tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12… đã không ít tai nạn giao thông chết người từ những chuyến xe công nông. Anh Sĩ, chủ ga ra chuyên sửa chữa xe công nông ở Củ Chi cho biết: “Những loại xe cũ nát thường có hệ thống phanh xuống cấp, nên khi gặp sự cố do chạy tốc độ cao thì tài xế chỉ còn biết thoát ra khỏi xe để “bỏ của chạy lấy người”. Anh Minh, lái xe công nông chở cỏ tươi bán ở Bình Mỹ tiết lộ “chuyện lái xe công nông lao xuống ruộng hay kênh mương là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Khi xe công nông chạy với tốc độ 35km-40km/giờ, hệ thống phanh khó có thể phát huy tác dụng. Chính vì vậy, khi có sự cố bất ngờ trên đường lái thì tài xế chỉ còn biết cho xe lao xuống ruộng mới hy vọng xe dừng lại và an toàn được”. Anh Nguyễn Văn Sớt, có hơn 15 năm lái xe công nông chở lá dừa nước bán ở Hóc Môn, Củ Chi cũng thừa nhận: “Dù có thâm niên với nghề nhưng việc bị xe công nông hắt văng xuống ruộng, xuống mương là chuyện không một tài xế công nông nào tránh khỏi.

Vì là xe tự chế lại từ các loại xe máy cày nên kết cấu giữa vô lăng và bánh lái của xe không đồng bộ, khi chạy với tốc độ cao rất nguy hiểm, tài xế thường không làm chủ được tốc độ. Mà nông dân thì hay có thói quen nhậu say khi lái xe. Thú thật, tôi cũng suýt chết mấy lần vì tình cảnh trên. Hiện tôi đã bỏ nghề”.

Đình chỉ việc lưu hành xe công nông là việc cần làm nhưng cũng cần có lộ trình và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo thay đổi nghề sinh sống như đang thực hiện đối với xe 3-4 bánh tự chế mà Chính phủ và UBND TPHCM đã cho phép.

PHƯƠNG LAM

Tin cùng chuyên mục