Khai trương Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Fintech

Sáng 27-9, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) tổ chức khai trương VKU Fintech Hub - Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đầu tiên tại miền Trung và Tây nguyên.

Đào tạo Fintech mới chỉ được triển khai từ năm 2019 và hiện nay chỉ một số trường đại học tại Việt Nam tuyển sinh với chỉ tiêu còn khiêm tốn. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đào tạo Fintech mới chỉ được triển khai từ năm 2019 và hiện nay chỉ một số trường đại học tại Việt Nam tuyển sinh với chỉ tiêu còn khiêm tốn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đây là một hạng mục lớn gắn liền với Trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc Dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc (Tập đoàn Hanwha Life Hàn Quốc và Quỹ Chilfund Korea tài trợ) với quy mô 1.500m² đang triển khai tại VKU.

z5871686569437_22c517c6e935c7ee3c991f3df514f6bf.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương VKU Fintech Hub. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trung tâm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, hệ thống các phần mềm chuyên dụng về phân tích dữ liệu tài chính SAS, phần mềm mô phỏng (sàn giao dịch thương mại điện tử; chiến lược kinh doanh trò chơi kích thích kinh doanh; thanh toán điện tử; tiếp thị kỹ thuật số) cùng với hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo nhằm mục đích mở ngành đào tạo Công nghệ tài chính (Fintech).

Sau khi khai trương, VKU Fintech Hub sẽ đưa vào vận hành với mô hình hoạt động tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính là đào tạo, ươm tạo (kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, tư vấn về chính sách, giải pháp công nghệ, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp Finnovate, kêu gọi nhà đầu tư thiên thần) và nghiên cứu (hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực Fintech đặc biệt liên ngành kết hợp nhiều công nghệ như AI trong tài chính…) cùng với các định hướng nghiên cứu về mô hình quản trị và xu hướng thị trường gắn với Fintech; chính sách hỗ trợ và quy chế quản lý cho Fintech; công nghệ dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ Fintech; công nghệ mới áp dụng cho Fintech; hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech; mô hình kinh doanh ngân hàng số hiện đại; hợp tác thông minh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và Fintech.

z5871686832492_bea5a6a3d46d2ce591c28c8a9465675d.jpg
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tham quan VKU Fintech Hub. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, lĩnh vực Fintech đang trở thành những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Dự báo lĩnh vực Fintech sẽ khan hiếm ngành nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh các công ty Fintech tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng.

Riêng Đà Nẵng, đề án “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực” xác định Fintech là cấu phần quan trọng để hình thành, phát triển trung tâm tài chính tại TP Đà Nẵng theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“VKU Fintech Hub sẽ trở thành nơi khởi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo, nơi kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech, từ đó ươm mầm cho những ý tưởng đột phá, phục vụ cho sự phát triển của cả ngành Fintech và TP Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng một cộng đồng fintech đa dạng và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU cho biết, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng ngành Fintech vẫn còn hạn chế. Một trong những lý do chính là thiếu hụt chương trình đào tạo liên ngành tại cơ sở giáo dục đại học. Đào tạo Fintech mới chỉ triển khai từ năm 2019.

Tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ có Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) bắt đầu tuyển sinh ngành này từ năm 2022 với khoảng 50 chỉ tiêu/năm.

Vì vậy, năm 2025, VKU dự kiến tuyển sinh ngành Fintech với 60 chỉ tiêu và định hướng đào tạo tăng cường giảng dạy 100% tiếng Anh, kết hợp thực tập, thực tế tại doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục