Khai thông Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp

“Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho khoa học - công nghệ (KH-CN) trở thành một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, việc khơi thông nguồn Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng”, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận định.

Tại TPHCM, Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển; giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất; hỗ trợ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo... từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới cho thị trường. Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp được sử dụng chi cho trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động KH-CN của doanh nghiệp, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ; thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH-CN trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, quỹ được chi cho hoạt động sáng kiến, hoạt động chuyển giao công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Ông Phan Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, hiện TPHCM có khoảng 127 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp với tổng số tiền trích quỹ hơn 6.020 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng quỹ hơn 2.108 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 21 doanh nghiệp điều chuyển về Quỹ phát triển KH-CN thành phố với tổng số tiền 93,5 tỷ đồng. Những số liệu này cho thấy, quỹ chưa phát huy được tối đa tiềm năng và lợi ích cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây cũng là rào cản trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, một số ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của quỹ sao cho phù hợp với quy định hiện hành và thực tế hoạt động của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung về chế độ kế toán, quản lý tài chính doanh nghiệp, thuế có liên quan đến quỹ; sớm ban hành quy định xác lập cơ chế quản lý đối với hoạt động của quỹ, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng của quỹ trong doanh nghiệp…

Trước các ý kiến trên, đại diện Sở KH-CN TPHCM cho biết, thời gian tới, sẽ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp một cách hiệu quả; thu hút, tiếp nhận được nguồn kinh phí cả trong và ngoài ngân sách nhà nước, đáp ứng được đặc thù của hoạt động triển khai nghiên cứu KH-CN và đảm bảo hiệu quả tài trợ, hỗ trợ. “Đây là tiền đề quan trọng để Sở KH-CN tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ KH-CN cũng như Thành ủy TPHCM trong việc xây dựng đề án thí điểm quỹ tại TPHCM, dự kiến trình thông qua vào quý 4-2024”, bà Nguyễn Thị Kim Huệ chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục