Nhiệm vụ còn “trừu tượng”
TS Huỳnh Thanh Điền (thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM) đánh giá: 7 chương trình đột phá mà TPHCM đang triển khai chủ yếu mới ở khâu nghiên cứu dự án, giải pháp huy động vốn, xây dựng cơ chế thực hiện. Các hành động cụ thể để triển khai ở một số chương trình chưa biểu hiện rõ nét. Một số nhiệm vụ của chương trình còn “trừu tượng”, chưa được cụ thể hóa.
“Chính quyền cấp phường/xã, quận/huyện đôi khi còn mơ hồ, chưa biến chương trình thành những hành động cụ thể. Các nhiệm vụ thực hiện chương trình chủ yếu giao cho khối cơ quan chính quyền, đoàn thể mà ít có sự tham gia đồng hành thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp”, TS Huỳnh Thanh Điền nhận xét. Trong khi đó, theo ông, chính quyền chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước chứ không phải là chủ thể vận động trong các chương trình, nên các chương trình sẽ khó thực hiện được nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, báo cáo từ các sở ngành chức năng của TPHCM mới đây cũng cho thấy, các kết quả đạt được trong hơn 1/3 thời gian của giai đoạn 2015-2020 của các chương trình, các ngành, lĩnh vực còn rời rạc, nhiều điểm chưa căn cơ, thiếu bền vững.
Dẫn chứng trong lĩnh vực giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa bày tỏ hân hoan trước kết quả sản lượng vận tải hành khách công cộng đã tăng trưởng sau nhiều năm liên tục giảm. Điều này chứng tỏ việc đầu tư cho vận tải hành khách công cộng trong các năm qua là kịp thời, quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng nhìn nhận rằng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn nhiều tồn tại, thách thức.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (khóa X) mới đây, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp; việc đầu tư kết nối phương thức vận tải để phát huy hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông chưa cao; sự tăng trưởng nhanh về hàng không, cảng biển, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội; tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt chưa đạt yêu cầu; các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch còn chậm...
Chưa thấy rõ các nguồn lực
Mặc dù TPHCM đã lên kế hoạch, nêu ra nhiều giải pháp cụ thể thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường, song theo nhìn nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm trên địa bàn chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đặt ra. Ô nhiễm ở tất cả các lĩnh vực môi trường, cả về nước mặt, nước ngầm, nước thải, không khí, tiếng ồn… chưa được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân sinh sống, lao động, sản xuất, kinh doanh chưa thực sự tốt…
Lý giải về sự chuyển bộ 7 chương trình mà TPHCM xác định mang tính đột phá còn chậm, đại diện UBND TPHCM cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X được thực hiện trong 5 năm, giai đoạn 2015-2020. Thực tế, TPHCM đã có ý tưởng ban đầu về 7 chương trình đột phá, kể cả mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, mãi đến gần cuối năm 2016, TPHCM mới thông qua được 7 chương trình này. “Việc ban hành 7 chương trình đột phá kèm 7 kế hoạch của UBND TPHCM tuy có chậm, nhưng có thể nói đây là quá trình chuẩn bị hết sức nghiêm túc và cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới và đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với từng chương trình cụ thể”, vị đại diện UBND TP phân trần.
Trong khi đó, khó khăn lớn đang đặt ra đối với TPHCM là nguồn vốn để triển khai 7 chương trình đột phá. Theo tính toán, để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình của 7 chương trình đột phá, TPHCM cần khoản tiền đến 40 tỷ USD. Trong bối cảnh nguồn thu của TP phải đóng góp cho ngân sách trung ương với tỷ lệ ngày càng tăng để hỗ trợ các chương trình phát triển chung của quốc gia; việc huy động vốn vẫn theo cơ chế chung của cả nước, chưa có cơ chế riêng gắn với đặc thù của một trung tâm kinh tế của cả nước, thì đây là một thách thức không nhỏ đối với TP.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Đại học KHXH-NV TPHCM) đề nghị cần làm rõ nguồn lực thực hiện 7 chương trình, gồm 3 lĩnh vực: tài lực (nguồn tài chính), nhân lực (lao động có kỹ năng) và trí lực (trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức). Về tài lực phải trả lời được câu hỏi TP sẽ huy động ngân sách từ nguồn nào? Có thể được bao nhiêu? Về nhân lực, phải làm rõ cần bao nhiêu nhân lực cho từng chuyên ngành, đòi hỏi tay nghề đến trình độ nào? Về trí lực, TPHCM có các chuyên gia đầu ngành giỏi về nhiều lĩnh vực, có đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái, cục bộ, quan liêu... Đây chính là lực cản trong quá trình triển khai 7 chương trình đột phá.
Kết quả triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá
1. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: TPHCM tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; xây dựng chính sách thu hút, tuyển dụng và phát triển sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. TPHCM cũng triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế; chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng theo tiêu chuẩn ASEAN; chương trình nâng cao chất lượng, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục; chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân rà soát…
2. Chương trình cải cách hành chính: TPHCM đã ban hành 34 quyết định công bố với 1.167 thủ tục; tiếp tục đẩy mạnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Rà soát sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc TP theo hướng tinh gọn, không trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án mới về thi tuyển chức danh lãnh đạo các cấp. Tập trung triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
3. Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM đáp ứng yêu cầu hội nhập: Công tác phát triển số doanh nghiệp thành lập mới được quan tâm gắn với việc nâng cao chất lượng. Thủ tục hải quan đã được kéo giảm hơn 50% thời gian tiếp nhận kiểm tra hồ sơ hải quan, tiếp nhận kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc giải quyết các thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, doanh nghiệp từ 57 ngày giảm còn 14 ngày. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp giảm từ 12 ngày xuống còn 4 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng đạt gần 70%...
4. Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông: TPHCM chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ kéo giảm ùn tắc; thường xuyên tổ chức lại giao thông tại các vị trí, khu vực phức tạp để giải quyết những bất cập; rà soát xóa các điểm đen tai nạn giao thông. TPHCM đã trình Thủ tướng và được đồng ý về nguyên tắc triển khai một số công trình chống ùn tắc giao thông theo lệnh khẩn cấp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải.
5. Chương trình giảm ngập nước: TPHCM đang nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP; rà soát vùng trũng thấp để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành để trữ nước, tạo cảnh quan tự nhiên vùng ven; hoàn thành đồ án quy hoạch hồ điều tiết. Quản lý, kiểm tra việc thực hiện các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới phải được quy hoạch cốt nền phù hợp, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, kết nối đồng bộ không để ngập nước ở khu dân cư mới, khu đô thị mới…
6. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường: TPHCM chỉ đạo triển khai chương trình liên tịch bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững; chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư Australia thực hiện dự án xử lý chất sinh hoạt theo công nghệ khí hóa Plasma kết hợp phát điện. Mở rộng 5 vị trí quan trắc chất lượng không khí, 4 vị trí quan trắc chất lượng nước mặt; tiếp tục quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch toàn TP cơ bản đạt 100%.
7. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị: TPHCM đã chỉ đạo xây dựng đề án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2020; ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng mới chung cư cũ, giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung phát triển 30.000 căn hộ nhà ở xã hội; ưu tiên giải quyết cho các hộ nghèo, thu nhập thấp, bị ảnh hưởng trong các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Chỉ đạo thúc đẩy đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị mới Nam TP, Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc và Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
(Nguồn UBND TPHCM, tháng 6-2017)