Khai thác tiềm năng không gian dọc sông Đồng Nai: Xây dựng “hành lang xanh” dọc sông Sài Gòn

Ngày 23-12, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức khánh thành công viên dọc sông Sài Gòn, thu hút hàng ngàn lượt người dân tới tham quan, chụp ảnh… Điều này cho thấy, những công viên, con đường ven sông Sài Gòn đang mở ra không gian xanh đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân thành phố.

LTS: Trung tuần tháng 12-2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng (Bộ KH-ĐT) đã biểu quyết thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quan trọng là khai thác không gian dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với vai trò một không gian xanh - sinh thái, kết nối vùng. Thực tế, nhiều tỉnh, thành đã có chiến lược khai thác không gian dọc các con sông nhưng chủ yếu tập trung trong địa giới hành chính đi qua địa phương mình mà chưa tận dụng hết sự liên kết bền vững.

Hạn chế tiện ích, không gian dịch vụ công cộng

Sông Sài Gòn có chiều dài 256km, trong đó đoạn chảy qua địa phận TPHCM khoảng 80km. TPHCM chia sông Sài Gòn ra làm 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp, quận 7).

Là một trong những phụ lưu của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn được đánh giá có tiềm năng lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không gian đô thị của khu vực Đông Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng.

chu-de-5915.jpg
Tàu vận chuyển hàng hóa trên sông Soài Rạp - nơi giao nhau giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai trước khi ra biển Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, thời gian qua, TPHCM vẫn chưa khai thác hết thế mạnh tự nhiên này. Cụ thể, hiện không gian hai bên bờ sông Sài Gòn chưa được thiết lập các hệ thống tiện ích, không gian dịch vụ công cộng và cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn còn hạn chế; việc quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn còn manh mún, chưa đồng bộ. Một số khu vực có tiềm năng lớn dọc bờ sông như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Thảo Điền (TP Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… vẫn chưa hoàn chỉnh.

Theo Sở QH-KT TPHCM, từ nay đến năm 2025, dự kiến cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2025-2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông này. Trên thực tế, TPHCM đã, đang tiến hành đầu tư xây dựng nhiều dịch vụ dọc bờ sông Sài Gòn; việc UBND TP Thủ Đức vừa khai trương công viên là một ví dụ. Trước đó, giữa tháng 3-2022, TPHCM hoàn thành và đưa vào sử dụng công viên bến Bạch Đằng (quận 1) với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6ha.

Điểm đến văn hóa, du lịch

Việc quy hoạch, khai thác không gian dọc sông Sài Gòn đang được lãnh đạo TPHCM quan tâm. Theo Tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở QH-KT TPHCM), Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn chỉnh. Trong đó, quy hoạch sông Sài Gòn đặt ra mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối vùng và hướng ra thế giới, để đến năm 2030 phát triển ven sông Sài Gòn thành điểm đến văn hóa của châu Á với mức tăng trưởng 8%-8,5%/năm.

z5b-6300.jpg
Người dân chụp ảnh tại công viên hoa hướng dương bên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, góc thiền, không gian sinh hoạt cộng đồng..., nhằm tạo ra ốc đảo đô thị xanh cho người dân. Cùng với đó, khai thác lịch sử lâu đời của thành phố và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; đẩy mạnh kinh doanh quán ăn đường phố và các hoạt động giải trí khác...

Để hiện thực hóa Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho rằng phải phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước sẽ làm tới đâu, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải rõ ràng. Tuy nhiên, dù ai đầu tư cũng phải tuân thủ nghiêm quy hoạch để giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.

Ở khu vực Củ Chi, tận dụng lợi thế dòng sông để có thể đầu tư xây dựng trở thành điểm tập kết thuyền phà, di chuyển hàng hóa và phát triển vận tải đường thủy Ngoài ra, một chiến lược quy hoạch đô thị và cảnh quan tổng thể để biến sông Sài Gòn thành hành lang xanh và hành lang kết nối với các đô thị trong vùng cũng được đặt ra.

Đó là xem xét phát triển đô thị hoặc chiến lược tái phát triển đô thị quan trọng trùng với các điểm di sản ở khu vực sông Sài Gòn; phát triển nhiều khu dân cư cao cấp hướng sông để có điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư... Không chỉ đề án nêu trên, trong vòng 20 năm qua, TPHCM đã quy hoạch nhiều hécta đất cho mục đích phát triển đô thị dọc hành lang sông Sài Gòn, trong đó có 930ha đã được quy hoạch hoàn chỉnh. Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư cụ thể để hiện thực hóa các quy hoạch này.

- Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN: Phải có quy hoạch xứng tầm

TPHCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7). Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (TP Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của TP Thủ Đức.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển trung tâm kinh tế tài chính và dịch vụ hiện đại. Chỉnh trang và phát triển khu vực cảng Sài Gòn và bán đảo Tân Thuận thành khu trung tâm hành chính mới, dịch vụ công cộng và đô thị xanh cho TPHCM. Đối với tỉnh Đồng Nai, cần có quy hoạch những lô đất lớn khuyến khích xây nhà cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ siêu mỏng để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng tối đa khoảng 50%-60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên.

Đồng Nai cần phải có kế hoạch chỉnh trang xứng tầm trục giao thông mới ven sông Cái mà điểm nhấn quan trọng là Cù lao Phố và không gian bên kia sông để tận dụng không gian xanh của nhánh sông ôm lấy mảnh đất cù lao và biến Cù lao Phố thành một điểm đến - điểm nhấn về không gian sông nước không chỉ của Đồng Nai mà cả vùng Đông Nam bộ. Có thể xây thêm một số cây cầu cảnh quan hạn chế tốc độ cao, khuyến khích xe điện, xe đạp để hài hòa với các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đang có ở đây, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

VĂN PHONG ghi

- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai TRẦN VŨ HOÀI HẠ: Chú trọng đầu tư các tuyến giao thông công cộng đường thủy

Để kiến tạo không gian đô thị ven sông Đồng Nai, tỉnh đang chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến giao thông công cộng đường thủy phục vụ du lịch và người dân, bố trí bến sông kết hợp với bến giao thông công cộng trên bộ trong khoảng cách 400-500m; hình thành tuyến giao thông công cộng liên kết các trung tâm đô thị bên sông, phát triển công viên, cây xanh để khai thác lợi thế tài nguyên du lịch, nhân văn, lịch sử, mở rộng không gian đô thị… dọc sông Đồng Nai.

HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG ghi

Tin cùng chuyên mục