“Nhấp chuột”, a lô và đi
Đợt nghỉ lễ dài ngày dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, khá nhiều bạn trẻ đã tìm đến các trang bán hàng trực tuyến chuyên về du lịch để đặt vé, săn phòng, tìm điểm đến giá rẻ (như Klook, Traveloka, Agoda, Booking…).
Theo chị Nguyễn Thị Mộng Hảo, nhân viên văn phòng làm việc tại đường Tô Hiến Thành (quận 10), các trang bán hàng này liên tục thông báo khuyến mãi, giảm giá các điểm đến, vé máy bay của nhiều hãng, phong phú combo cho khách lựa chọn - từ dịch vụ vé tham quan tại các công viên chủ đề đến thiết bị phát wifi, voucher ăn uống ở khắp các quốc gia…
“Người dùng dễ dàng đặt mua dịch vụ, thanh toán phí qua thẻ, chính sách dịch vụ thông báo công khai. Chẳng hạn như, mức giá cuối cùng phải trả, chính sách trả phòng được hủy miễn phí hay không, thỉnh thoảng khuyến mãi kèm dịch vụ đưa đón, vận chuyển… Khi có mặt tại khu vui chơi, người dùng không cần xếp hàng mua vé mà có thể vào cổng trực tiếp bằng voucher điện tử”, chị Hảo chia sẻ.
Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch Việt Nam) dẫn chứng (từ số liệu của các đơn vị khảo sát độc lập nước ngoài), có trên 70% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet, 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến khi tham quan, du lịch Việt Nam.
Thêm nữa, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở nước ta chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ, nhưng tỷ lệ người Việt Nam dùng điện thoại thông minh tìm kiếm khách sạn đạt tới 48% trong khi người Mỹ chỉ là 18%. Tỷ lệ tìm kiếm thông tin du lịch tại điểm đến của người Việt Nam là 42%, trong khi người Mỹ chiếm 25%; tỷ lệ tìm hiểu các chuyến bay của người Việt Nam là 37%, trong khi tỷ lệ của người Mỹ là 18%.
Chính những con số nói trên cho thấy tiềm năng lớn của du lịch trực tuyến trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, nhìn nhận du khách hiện nay đang thay đổi xu hướng đặt dịch vụ, thay vì mua tour truyền thống (mua trực tiếp, gặp nhân viên tư vấn) thì chuyển sang đặt mua trực tuyến.
Họ thích săn hàng giảm giá, sàng lọc kỹ thông tin, tham khảo ý kiến từ các bài viết về điểm đến du lịch, sự trải nghiệm của những người nổi tiếng, travel blogger. Tiếp đến, họ tự lên lịch trình cho chuyến đi, đặt vé máy bay, khách sạn…, qua đó tạo niềm vui riêng.
Theo đại diện Klook và Traveloka, có khoảng 70% đơn đặt hàng bằng ứng dụng điện thoại thông minh và khách hàng thuộc độ tuổi 18 - 34. Rõ ràng đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt, “chóng mặt” giữa các loại hình kinh doanh du lịch hiện nay, hướng tới sự đa dạng của thị trường, tạo thêm sự lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng.
Bám sát xu hướng, thị hiếu
Du lịch trải nghiệm, kết nối trở thành xu hướng hiện nay. Người đi trước kể cho người đi sau, chia sẻ những gì họ từng trải nghiệm qua mạng internet, trao đổi trên các diễn đàn, thông tin trên các trang điện tử, mạng xã hội chuyên về du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) lữ hành hiện nay đều bán song song tour trực tuyến và trực tiếp, với nhiều loại hình từ trọn gói đến từng phần.
Ông Từ Quý Thành nhìn nhận công ty phải liên tục nắm bắt xu hướng, thị hiếu khách hàng, nhất là các đối tượng trẻ, để phục vụ hiệu quả hơn. Đây là mảng du lịch cực kỳ tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức đối với đại đa số các DN lữ hành nội địa, vì liên quan đến tiềm lực kinh tế để có thể tiếp nhận công nghệ mới, các khuôn khổ pháp lý, cơ sở kết nối dữ liệu…
Ông Trần Kiều Vĩ, Giám đốc Công ty Du lịch Thuận Phong, cho rằng hầu hết các DN đều chọn nhiều kênh để quảng bá sản phẩm, gồm mạng xã hội, cơ quan thông tin truyền thông, fanpage.... Tùy phân khúc khách hàng khác sẽ có hướng tiếp cận, thu hút khách khác nhau.
Các kênh quảng bá du lịch trực tuyến hiện tại chỉ đóng vai trò quảng cáo là chính. Sản phẩm du lịch là loại hình chuyên biệt, bán trước cái mà người ta sẽ trải nghiệm và thu tiền liền. Do vậy, khách cảm thấy đủ yên tâm, tin tưởng mới đặt mua.
Riêng với các trang web du lịch như trên, đối tượng khách hàng thường là người trẻ, đặt mua từng sản phẩm riêng biệt, như đặt phòng nghỉ ngơi, vé máy bay khứ hồi, các điểm đến…, chứ không phải một tour du lịch trọn gói bao gồm đầy đủ từ lúc khởi hành đến khi kết thúc chuyến đi.
Sự “tấn công” ồ ạt của loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến vừa là mối lo của các DN kinh doanh truyền thống, vừa là động lực để DN (lữ hành, nhà hàng, khách sạn…) chủ động thay đổi theo hướng tích cực phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tuy vậy, đối với thị trường tranh tối tranh sáng, DN lữ hành được “khai sinh” đều đặn như hiện nay, các chuyên gia du lịch khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác để tránh mua trúng các tour du lịch kém chất lượng. Khi mua, nên quan tâm đến lộ trình cụ thể, bữa ăn trong ngày, trị giá gói bảo hiểm du lịch…
Thông tin từ một số đơn vị lữ hành (Saigontourist, BenThanh Tourist, TST Tourist) cho biết, khách mua hàng trực tuyến tại những đơn vị này có mức tăng trưởng đều đặn, song song với hình thức bán hàng trực tiếp. Ghi nhanh cho thấy, nhiều DN tên tuổi, quy mô lớn đã có sự đầu tư nhiều hơn cho hình thức bán hàng online. Saigontourist thông tin, doanh thu kinh doanh trực tuyến mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị Công ty Du lịch Tugo, cho biết công ty kinh doanh 100% trực tuyến và khoảng 30% khách hàng chuyển hướng thanh toán bằng chuyển khoản cho công ty, thay vì thanh toán trực tiếp như trước đây. |