Khai thác tiềm năng du lịch hoài niệm

Ngay đầu năm 2025, UBND TPHCM đã có quyết định chi ngân sách 4 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện sửa chữa, hồi phục, tháo rã, vận chuyển và lắp đặt chiếc máy bay C-119 từ TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) về trưng bày tại Di tích quốc gia sân bay Tà Cơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Quyết định này mở thêm cơ hội cho người quan tâm tới du lịch hoài niệm - hồi tưởng ở Quảng Trị.

Di tích từ máu xương...

Dù là một chiến trường khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng giờ đây các hiện vật trưng bày ở Quảng Trị có tính “điểm nhấn” gần như rất hiếm hoi. Trong đó có chiếc máy bay C-119, số hiệu 53-7850 của Nhà máy A41/QCPK-KQ được Bộ Quốc phòng đồng ý “cấp” cho Quảng Trị làm hiện vật trưng bày. Tỉnh đã lên kế hoạch sửa chữa hồi phục, tháo rã, vận chuyển chiếc máy bay này về Di tích Sân bay Tà Cơn, nhưng do gặp khó về nguồn kinh phí, nên gần 10 năm vẫn chưa làm được. Rất may, TPHCM đã kịp thời hỗ trợ!

%5b.jpg
Cụm di tích cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là Di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Trị

Từ chiếc máy bay phải nhờ hỗ trợ đến cả kinh phí vận chuyển, cho thấy, để Quảng Trị là vùng đất phát huy du lịch hoài niệm không phải là chuyện dễ dàng. Trong khi nói đến quá khứ chiến tranh bi tráng của dân tộc, thì mảnh đất Quảng Trị là một điển hình.

Nơi đây có quá nhiều chứng tích của cuộc kháng chiến trường kỳ 20 năm với nhiều địa danh đã đi vào sử sách: Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh - Đường 9, Dốc Miếu - hàng rào điện tử McNamara... Quảng Trị còn là tỉnh tập trung đến 70 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 là 2 nghĩa trang quốc gia.

Tuy được xem như là “một bảo tàng chiến tranh lớn”, nhưng chỉ trong khoảng 15 năm sau ngày hòa bình (1975-1990), nhiều dấu tích chiến tranh ở vùng đất Quảng Trị đã bị dần xóa sạch trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn của người dân. Những căn cứ quân sự lớn như Khe Sanh, căn cứ Carol, Làng Vây, Dốc Miếu, hệ thống hàng rào điện tử McNamara, sân bay Ái Tử, Tà Cơn… bị san phẳng bởi những cuộc săn lùng phế liệu.

Khoảng 20 năm trở lại đây, lượng du khách là cựu chiến binh tìm về Quảng Trị ngày càng nhiều. Họ tìm về vùng đất khi xưa đã sống và chiến đấu, trở về để thắp một nén nhang cho bạn bè, đồng đội đang nằm lại, để sống lại với ký ức, để chiêm nghiệm và suy tưởng…

Du khách đến Quảng Trị không chỉ là những người lính cách mạng mà có cả những người lính bên kia chiến tuyến, đặc biệt lượng du khách khá lớn là các cựu binh Mỹ từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Du lịch trở lại chiến trường xưa có một thương hiệu rất quen thuộc với khách quốc tế là DMZ tour (The Demilitarized Zone tour - du lịch khu phi quân sự).

Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm nay, tour du lịch này vẫn chưa có gì mới so với khi vừa ra đời, cách tổ chức còn rất sơ sài. Nhưng điều đáng nói hơn cả là hầu như khách tham gia tour này phải tự tưởng tượng thêm, bởi những di tích “đỉnh” hầu như đã bị xóa sạch dấu vết. Muốn nắm thêm, họ chỉ biết phụ thuộc vào kiến thức và tình yêu với mảnh đất này của hướng dẫn viên du lịch.

Những năm qua, các ngành du lịch, văn hóa, Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị đã cố gắng gia tăng lượng thông tin cần thiết cho du khách, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bài toán nan giải

Dù đã nỗ lực, nhưng trong điều kiện của một tỉnh nghèo, Quảng Trị rất khó phát triển các tour du lịch hoài niệm chiến trường xưa, từ đó không phát huy hết giá trị, ý nghĩa lịch sử các di tích.

Từ năm 1995, các cơ quan liên quan đã nhiều lần bàn đến việc phục chế một đoạn hàng rào điện tử McNamara để cho du khách tham quan, nhưng sau đúng 30 năm, dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Căn cứ Rockpile rất nổi tiếng nhưng khách tham gia tour chỉ có thể đứng bên quốc lộ 9 nhìn lên đỉnh núi theo hướng tay chỉ của hướng dẫn viên và nghe… kể lại!

Nếu lấy đối tượng du khách là các cựu binh thì lượng khách này có thể lâu dài, bền vững và đông đảo mãi được không? Bởi đến một giai đoạn nào đó, những thế hệ gắn bó mang nặng hồi ức chiến tranh sẽ vơi dần và hết. Vậy thì làm thế nào để các di tích lịch sử cách mạng ở Quảng Trị vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn có sức thu hút cao đối với những thế hệ mới và những đối tượng mới?

Đây là bài toán khá nan giải! Do đó, câu chuyện UBND TPHCM vừa quyết định tài trợ cho Quảng Trị vận chuyển máy bay vận tải C-119 đến Khu di tích lịch sử Tà Cơn là một minh chứng để khơi dậy phần nào tiềm năng du lịch hết sức to lớn của vùng đất này. Có thêm một hiện vật “điểm nhấn” được trưng bày, du khách thêm sự chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm.

Nhưng lớn hơn thế, đó là một cách để vun bồi cho lịch sử mảnh đất này, lịch sử đất nước. Do đó, cần một sự đầu tư dài hơi và thiết thực hơn cho những di tích lịch sử cách mạng của vùng đất Quảng Trị, bởi đây chính là sự lưu giữ và bảo tồn lịch sử, một phương cách để giáo dục lịch sử và truyền thống, chứ không chỉ làm du lịch.

Tin cùng chuyên mục