Khai thác thủy sản bền vững, chuyên nghiệp - Làm đúng để đi xa: Đầu tư đồng bộ, đúng hướng

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương có biển và các bộ ngành liên quan vào ngày 7-9 về vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, chậm nhất đến ngày 31-12-2021 phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng. 

Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về những giải pháp quản lý tàu cá vi phạm cũng như tiến độ tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến 
PHÓNG VIÊN: Hiện nay ngành thủy sản có những thuận lợi và khó khăn thế nào khi vừa phải lo ứng phó dịch, vừa lo tháo gỡ thẻ vàng của EC?

Thứ trưởng PHÙNG ĐỨC TIẾN: Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nhất là chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta vẫn sẽ quyết tâm đạt các chỉ tiêu về nông nghiệp năm 2021. Trong đó, riêng về thủy sản, mục tiêu cả năm dự kiến là 8,6 triệu tấn sản lượng và xuất khẩu là 8,8 tỷ USD. Trong 9 tháng, riêng sản lượng khai thác thủy sản đã đạt xấp xỉ 3 triệu tấn; các tháng còn lại với 750.000 tấn, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) báo cáo, thị trường và giá đang rất tốt. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo các chỉ tiêu xuất khẩu.

Xử phạt tàu cá vi phạm, quy trách nhiệm cho các địa phương cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp mang tính chiến lược cho thủy sản Việt Nam?

- Để đảm bảo phát triển thủy sản bền vững và hợp pháp lâu dài, chúng ta cần tổ chức song hành nhiều giải pháp. Không chỉ là khai thác cá hợp pháp, tuân thủ đúng các quy định về IUU mà còn cần hiện đại hóa đội tàu, hướng tới đánh bắt chuyên nghiệp; hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ và tương thích với các quy định, thông lệ quốc tế; đầu tư xứng đáng cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần; phát triển nuôi trồng bảo đảm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu song hành với tăng cường đầu tư bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Hạ tầng ngành thủy sản thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đang được đầu tư mạnh để hướng đến phát triển thành trung tâm kinh tế, đô thị biển của vùng. Ảnh: XUÂN HUYÊN
Trong 4 năm bị EC áp thẻ vàng, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện được cơ sở pháp lý với 2 nghị định và sửa 8 thông tư để phù hợp với quy định của EU cũng như quốc tế. Về khai thác, hiện nay 5 nội dung cốt lõi là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản, thực thi pháp luật, chấm dứt tàu cá sai phạm và hướng tới chuyển đổi nghề cho ngư dân. Trong đó, về kiểm soát đội tàu, trước đây chúng ta có khoảng 128.000 tàu, nay chỉ còn 94.572 tàu, giảm cường lực khai thác; số vụ tàu vi phạm cũng giảm rõ rệt. Về việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tôi đã kiểm tra tại nhiều địa phương thì thấy nhiều nơi đã có sự chuyển dịch tích cực.

Theo tôi, yếu kém nhất hiện nay khi tái cơ cấu là hạ tầng thủy sản. Về chính sách đầu tư, các địa phương đã có chủ trương cụ thể (chỉ còn Đà Nẵng chưa làm được). Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với Bộ KH-ĐT để mục tiêu cuối tháng 11-2021 có thể ký với Ngân hàng Thế giới vay đầu tư cho hạ tầng thủy sản. Đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn vay ADB tại các tỉnh ven biển phía Nam cũng đang hình thành. Hiện chúng ta cũng có 10 đề án và chương trình quốc gia về đầu tư cho thủy sản đã hoàn thành hoặc chuẩn bị trình Chính phủ, trong đó có các dự án khai thác bền vững, dự án điều tra nguồn lợi, dự án bảo tồn... Trong 5 năm tới, nếu chúng ta tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ thì nguồn lực đầu tư cho thủy sản là rất lớn. Tôi đề nghị các địa phương chuẩn bị không gian tái cơ cấu thủy sản. Phải nắm được để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả thì mới khắc phục được những tồn tại, thậm chí có thể nói là yếu kém và giải quyết được vấn đề IUU trong thời gian sớm nhất. 

Quyết liệt chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm 

Việc ngành thủy sản Việt Nam bị EC rút thẻ vàng thực chất là do sự thiếu chuyên nghiệp trong đánh bắt hải sản, có nguyên nhân từ thói quen đánh bắt tự phát của ngư dân. Nay “ra biển lớn”, ngư dân phải chấp hành các điều luật, hiệp ước quốc tế bằng quy trình đánh bắt chuyên nghiệp. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây dao động khoảng 8,5 đến gần 9 tỷ USD/năm, trong đó thủy sản khai thác chiếm 35%-40% giá trị. Tháng 10-2017, EC rút thẻ vàng IUU khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD trong giai đoạn 2017-2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD. 

Xu hướng giảm này tiếp tục trong năm 2020, do có thêm tác động kép của dịch Covid-19 và Brexit… Các chuyên gia cho biết, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Liên minh châu Âu (EVFTA) thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là khả thi. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng, sau chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 9-2021, các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm. Trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, nhóm thứ 3 (về thực thi pháp luật) có chuyển biến tích cực, khi đến nay các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và ra vào cảng. Về truy xuất nguồn gốc thủy sản, trong 3 tháng 7, 8, 9, lượng hàng xuất đi EU của Việt Nam ít và chưa phát hiện có sai sót. EC đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng và có những tiến bộ rất tích cực. Việc theo dõi sổ nhật trình và giám sát thiết bị hành trình liên tục của tàu cá là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn căn cơ tình trạng vi phạm. Trong trường hợp ngư dân không thực hiện thì phải xử phạt nghiêm theo Nghị định số 42. 
Trong suốt 4 năm qua, cả hệ thống chính trị cùng ngư dân đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, đảm bảo hội đủ điều kiện để EC gỡ thẻ vàng IUU. Quá trình này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để ngành thủy sản Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn.

NGUYÊN KHÔI - VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục