Chiều 9-6, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều ĐBQH thể hiện quan điểm về việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để bảo đảm tăng trưởng 2017.
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM), nhận xét, việc tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,7% có nguyên nhân chính là phát triển theo chiều rộng, khai thác tài nguyên đã bộc lộ nhiều bất cập. Năm 2017, tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn vài năm gần đây, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp; nông nghiệp tăng nhẹ nhưng trong bối cảnh năm 2016 đã giảm sâu. “Việc lên kế hoạch khai thác thêm dầu thô đã chứng tỏ thêm mô hình tăng trưởng quá phụ thuộc tài nguyên”, ĐB Phạm Phú Quốc nhận xét.
Xung quanh giải pháp tăng khai thác dầu thô để tăng trưởng, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng đề nghị cần cân nhắc kỹ và “nhân dân sẽ phấn khởi nếu để nguồn lực có hạn này cho năm sau và thế hệ sau”.
Cũng quan điểm này, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định), cho rằng, việc tăng khai thác dầu khi giá phục hồi là cần nhưng nếu chỉ để tăng trưởng GDP thì phải cân nhắc khi chúng ta đang hướng đến tăng trưởng chất lượng và cạnh tranh của chất. Phương thức đóng góp tài nguyên cho tăng trưởng GDP chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và hệ lụy cho tương lai.
Chuyên gia kinh tế - ĐBQH Trần Hoàng Ngân ủng hộ giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Chính phủ nên phát huy những điểm sáng hiện nay của nền kinh tế. Đó là việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ đã khơi thông hoạt động kinh doanh, triển vọng kinh tế tốt hơn và sẽ cải thiện nếu quyết liệt từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó phải có giải pháp để tinh gọn bộ máy.
“Cần có chính sách để cho thôi việc nhanh với cán cán bộ, công chức hư, có hành vi nhũng nhiễu, chứ bây giờ lâu quá”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Năm 2016 khai thác trên 15 triệu tấn dầu. Năm 2017, ban đầu kế hoạch khai thác được đặt ra chỉ đạt 12,28 triệu tấn nhưng nay giá dầu lên, cũng như cân đối khả năng khai thác thì quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn. Mức khai thác này vẫn bảo đảm, tốt cho nền kinh tế và không đến mức khai thác quá mức cạn kiệt tài nguyên. Chính phủ quán triệt không tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng nhưng phải bảo đảm môi trường.
Nợ công vừa qua tăng nhanh là do giai đoạn 2011-2015 vừa qua tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch đề ra; giá dầu thô giảm sau; điều chỉnh chính sách thu cắt giảm tăng nhanh hơn lộ trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…Trong đó chi vẫn duy trì và tập trung cho con người, an sinh xã hội nên làm cho cơ cấu ngân sách khó khăn. Thời gian tới, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính sẽ quyết liệt thay đổi cơ cấu thu, trong đó có việc sẽ trình luật thuế tài sản. Cùng với việc thực hiện ráo riết chính sách quản lý thu, điểm quan trọng được tập trung là siết chi tiêu thường xuyên; quy định về chế độ xe công; khoán chi, sắp xếp bộ máy… Nếu các biện pháp này triển khai đồng bộ thì nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công sẽ hiệu quả, rõ nét hơn.