Sáng 5-12, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.
ĐB Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đề cập đến bất cập trong việc khai thác, sử dụng và quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Vì vậy, với khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước vừa nêu trên là rất lớn, nếu được khai thác hiệu quả sẽ tạo ra nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ĐB Bình đánh giá công tác quản lý lâu nay có lúc, có nơi bị buông lỏng trong một thời gian dài.
ĐB Cao Thanh Bình cũng đề nghị UBND TP cần có giải pháp tăng cường quản lý, kê khai đầy đủ và xử lý minh bạch, công khai nhằm tạo nguồn thu lớn cho đầu tư, phát triển TPHCM.
ĐB Cao Thanh Bình đề nghị các đề án đẩy nhanh tiến độ, sớm nâng cao chất lượng các đề án xây dựng nông thôn mới. Mặc khác, một số đề án được thông qua thì chất lượng cũng có vấn đề. Cũng liên quan đến nông thôn, đầu tư phát triển nông nghiệp, ĐB Cao Thanh Bình đề nghị cũng nhận xét, hiệu quả và năng suất của ngành sản xuất nông nghiệp còn thấp, việc phát triển chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải đầu tư và có giải pháp quyết liệt hơn.
“Cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp”, ĐB Bình đề xuất và nhấn mạnh về yêu cầu làm sao đảm bảo để người dân tham gia góp vốn bằng giá trị đất, dianh nghiệp đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất và được trả lương; đồng thời được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn đầu tư tương ứng.
Ngoài ra, người nông dân cần được đào tạo nghề, tham gia sản xuất và được trả lương, đồng thời được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn đầu tư. Có như thế thì người nông dân mới phát triển kinh tế được. “Chứ như hiện nay, người nông dân vừa làm cật lực, vừa phải lo âu về đầu ra. Được mùa thì mất giá, thất mùa thì mất vốn”, ĐB Bình phân tích.
ĐB Tô Thị Bích Châu nêu thắc mắc vì sao trong đề án TPHCM xây dựng đô thị thông minh không có lĩnh vực mà người dân rất quan tâm là giáo dục.
Theo ĐB Châu, Nhà nước không thể nào ôm hết trong lĩnh vực giáo dục nên phải tạo cơ chế để chia sẻ với người dân, nhất là trong lĩnh vực mầm non.
“Trong đề án xây dựng đô thị thông minh, làm sao để người dân biết được trên một quận huyện có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu trường mầm non là công lập và dân lập, tư thục để người dân nắm”, ĐB Châu đặt hàng và cho rằng cạnh đó là phải giải pháp quản lý đặt ra là phải biết được chất lượng của từng trường.
Từ đòi hỏi này, ĐB Châu đề xuất nên thực hiện chấm điểm trường mầm non ở một số quận huyện ở TPHCM, trước tiên tổ chức thí điểm tại địa bàn có dân nhập cư đông, có nhu cầu lớn.
Dựa trên số điểm đánh giá đánh giá này thì người dân lựa chọn cho con em vào học và giám sát. Với cách làm này nếu thành công thì mời gọi, kêu gọi xã hội hóa.
ĐB Châu đánh giá, một khi việc chấm điểm, giám sát được thực hiện chặt chẽ sẽ tránh được tình trạng quản lý không chặt, dẫn đến chuyện bạo hành trẻ em như ở Trường Mầm Xanh (quận 12).
Liên quan tình trạng ngáo đá, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng thời gian qua trên địa bàn TPHCM đã xảy ra các vụ ngáo đá gây mất an ninh trật tự.
Mới đây nhất là vụ ngáo đá chạy xe gắn máy chém vỡ hàng loạt kính chiếu hậu ô tô trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh). Mối nguy của đối tượng ngáo đá này là mất kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm cho xã hội.