Sản phẩm mới
Ngay trong tháng 8 này, một số doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn TPHCM đã giới thiệu các sản phẩm mới đến du khách. Điển hình như tour du lịch 1 ngày mang tên “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” do Công ty TSTtourist thiết kế. Theo lộ trình tour, khách được ăn sáng tại Nhà hàng Con Gà Mái (181 Quang Trung, quận Gò Vấp), sau đó bắt đầu hành trình tham quan và trải nghiệm Phù Châu cổ miếu - ngôi cổ miếu có tuổi đời 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật; đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến nay; tham quan giáo đường Hạnh Thông Tây; tham quan sân golf Tân Sơn Nhất và trải nghiệm tập golf cùng huấn luyện viên chuyên nghiệp…
Ảnh: THI HỒNG
Song song với các sản phẩm du lịch ban ngày, nhóm sản phẩm đêm cũng đang được nhiều DN, các quận, huyện đầu tư làm mới. Ví dụ, tại rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài trekking ban ngày, khách có thể tìm hiểu các hoạt động ban đêm như đi mò cua, bắt ốc cùng những người dân canh gác rừng phòng hộ; tổ chức cắm trại, đốt lửa trại đêm ngoài trời tại Khu du lịch Vàm Sát, điểm du lịch sinh thái Dần Xây, điểm du lịch đảo Thiềng Liềng… Tương tự, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) vừa thông tin sẽ phối hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng kịch bản chương trình phục vụ du khách ban đêm tại khu tái hiện vùng giải phóng với chủ đề “Trăng chiến khu”…
Liên kết, tạo chuỗi giá trị
TPHCM đã liên tiếp có các chuỗi sản phẩm du lịch làm bật dậy một TPHCM sống động, với nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng, Vietravel đã có nhiều bộ sản phẩm liên quan về TPHCM. Cụ thể, với du lịch Cần Giờ, DN có 3 bộ sản phẩm giới thiệu “lá phổi” xanh của thành phố; tiếp theo là sản phẩm du lịch TP Thủ Đức; kế đến là sản phẩm du lịch quận 5 và sản phẩm nội đô (quận 1). Tính chung, Vietravel đang có 10 bộ sản phẩm riêng về TPHCM. “Với những sản phẩm sẵn có, chúng tôi tự tin giới thiệu đến bạn bè quốc tế, kiều bào Việt Nam khi đến TPHCM tham quan, trải nghiệm những nét đặc sắc riêng. Điểm nhấn bao gồm văn hóa lịch sử, ẩm thực, vẻ đẹp hiện đại của một thành phố trẻ năng động”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhấn mạnh.
Vừa qua, Sở Du lịch TPHCM đã công bố và cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng di động; đồng thời triển khai chương trình du lịch mẫu gắn kết các tài nguyên, tập trung phối hợp với TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện, DN lữ hành khảo sát, xây dựng, làm mới sản phẩm. Ví dụ, quận Tân Phú nổi bật với tour “Tân Phú, đi là nhớ”, quận 5 có tour “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, quận 3 triển khai phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa, quận 6 khai thác hoạt động phố đi bộ kết hợp ẩm thực chợ Bình Tây… Ngoài ra, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển “Du lịch nông nghiệp, sinh thái” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM; thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch y tế…
Ở thời điểm này, nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã từng bước tiền trạm, khảo sát các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đánh giá, muốn có một sản phẩm hoàn thiện cần rất nhiều bước; và không chờ đợi sản phẩm như ý mới giới thiệu, mà trong lúc giới thiệu đến khách vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh sự chủ động của các quận, huyện, DN du lịch, thì Sở Du lịch cũng chủ trì để ra mắt sản phẩm mới. Ví dụ như tour “Huyền bí đêm TPHCM” dự tính khai thác cung đường địa đạo ở Hội trường Thống Nhất, cung đường hầm ở Bảo tàng Mỹ thuật và Khu di tích nhà giam Chợ Quán… “Càng tìm hiểu, càng thấy du lịch TPHCM còn nhiều tiềm năng. Nhiệm vụ của ngành du lịch, DN lữ hành, điểm tham quan… là truyền tải, tạo sức hút về điểm đến của thành phố”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.