Hiện nay, tình trạng khai thác nước ngầm đang diễn ra tràn lan và gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn nước, gây ra sụp lún, sạt lở đất, nhất là các đô thị lớn thường có khu vực khai thác tập trung.
Khai thác nước ngầm tràn lan gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Ảnh minh họa
Theo Sở TN-MT TPHCM, tổng số giếng khai thác trên địa bàn TP có 256.453 giếng với tổng lưu lượng khai thác 499.430m3/ngày đêm. Trong đó, có 322 giếng khai thác nước dạng công nghiệp với 193.299m3/ngày. TP có 15 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 3 khu xài nước sạch, 5 khu sử dụng cả hai nguồn nước sạch và nước ngầm, 5 khu sử dụng nguồn nước ngầm và 1 khu sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm và 1 khu mua nước từ tỉnh Bình Dương.
Trong đó, có 58 đơn vị khai thác nước ngầm với 9.403m³/ngày, có 11 đơn vị quản lý các KCN khai thác nước ngầm cấp cho các doanh nghiệp với tổng lưu lượng khai thác 34.271m3/ngày. Tổng lượng nước ngầm khai thác cấp cho các KCX-KCN là 43.674m³/ngày. Thẩm quyền của Bộ TN-MT cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân khai thác lưu lượng với 3.000m³/ngày trở lên, còn Sở TN-MT cấp giấy phép khai thác lưu lượng từ 20 - 3.000m³/ngày.
Còn theo các chuyên gia tài nguyên nước và môi trường thì Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM có nghiên cứu hiện nhiều khu vực trên địa bàn TP đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1cm/năm. Tính từ năm 1992 đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn 17 quận, huyện lún nặng ở thành phố đã bị lún từ 20 - 30cm, nguyên nhân chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa khiến diện tích bê tông hóa ngày càng cao, diện tích kênh rạch bị san lấp ngày càng nhiều… khiến lượng nước bổ sung cho các túi nước ngầm ngày càng giảm.
Để khôi phục lại nước ngầm, theo các chuyên gia, trước mắt, giảm bê tông hóa nhằm thoát nước, chấn chỉnh khai thác nước ngầm công nghiệp phải kết hợp sử dụng thêm nguồn nước sạch. Về lâu dài, ban hành quy định và chính sách quản lý, khai thác nguồn nước mưa. Nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu khai thác, sử dụng nước nhằm tiết kiệm nước và giảm thất thoát nước. Thị trường hóa tài nguyên nước ngầm là sử dụng phải trả tiền, gây ô nhiễm nguồn nước sẽ bị xử phạt.
Để quản lý nguồn nước ngầm, Luật Tài nguyên nước số 17/2012 đã đề cập đến công tác bảo vệ nguồn nước trong đó có nguồn nước ngầm; Bộ TN-MT đã ban hành QĐ 14/2007 quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; UBND TPHCM đã ban hành QĐ 69/2007 quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Sở đã và đang thực hiện quyết định này từ khi ban hành đến nay. Do Luật Tài nguyên nước mới ban hành và trên tình hình thực tế về công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TP, nên sở soạn thảo văn bản thay thế QĐ 69 về phân vùng cấm, hạn chế tách nước dưới đất và đã lấy ý kiến các sở, ban, ngành và Sở TN-MT hiện đang hoàn chỉnh để trình UBND TPHCM ban hành trong năm 2016.
| |
QUÝ NGỌC