Theo IEA, việc khai thác nhiều hơn các khoáng chất quan trọng là cần thiết để đảm bảo đạt được các mục tiêu khử carbon, đồng thời cảnh báo rằng mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu có nguy cơ gặp rủi ro nếu không đầu tư thêm vào khai thác. Mặc dù đầu tư đã tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, nhưng IEA cho biết, “trong bất kỳ trường hợp nào, sẽ cần nhiều dự án khai thác khoáng chất hơn vào năm 2030 theo mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C”. Cơ quan này cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn để giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Australia - hai nguồn khoáng chất quan trọng nhất trên thế giới.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, vào thời điểm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn thế giới, IEA khuyến khích tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường khoáng sản, vốn rất quan trọng để thế giới đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu. Tuy nhiên, ông Birol thêm rằng “cần phải làm nhiều hơn nữa” để đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng được an toàn và bền vững.
Đặc biệt, lithium là trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch do tầm quan trọng của chất này trong sản xuất pin. Các nhà sản xuất ô tô, tấm pin Mặt trời và các ngành công nghiệp khác thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng không có carbon đều dựa vào nguồn kim loại sẵn có. Nhu cầu đã tăng lên nhanh chóng và có khả năng tăng cao hơn nữa. Các khoáng chất khác còn có niken, coban, mangan và than chì, cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Đầu tuần này, chủ sở hữu của Toyota và Vauxhall đã cảnh báo rằng kế hoạch ô tô điện của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khó đạt được do nguồn khoáng sản sẵn có để sản xuất pin không đủ. Ông Biden muốn 2/3 doanh số bán ô tô mới ở Mỹ là xe điện vào năm 2032. Thị trường khoáng sản phục vụ chuyển đổi năng lượng sạch đã tăng lên 320 tỷ USD và đầu tư vào khai thác tăng 30% vào năm 2022. Tuy nhiên, theo IEA, nếu tất cả các dự án khoáng sản quan trọng theo kế hoạch trên toàn thế giới được thực hiện, thì nguồn cung có thể đủ để hỗ trợ các cam kết khí hậu quốc gia do các chính phủ công bố. Cơ quan này cho biết, cần đầu tư nhanh chóng trong thời gian dài để mở thêm mỏ. Thông thường, mất trung bình hơn 16 năm cho một mỏ mới từ khi được phát hiện đến khi hoạt động.
Một thách thức khác là làm sao giảm lượng khí thải nhà kính từ hoạt động khai thác mỏ, hiện vẫn ở mức cao. Các mỏ thường ở những vùng xa xôi cách xa lưới điện, nơi máy phát điện diesel là nguồn điện phổ biến để cung cấp năng lượng cho thiết bị. Xe tải khai thác mỏ cũng chủ yếu chạy bằng động cơ diesel. Hiện các công ty khai thác như Fortescue của Australia đang đưa vào sử dụng các xe tải chạy bằng điện Mặt trời nhưng vẫn chưa được triển khai trên quy mô lớn.