Khai thác, kết nối phát triển du lịch liên vùng TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ

Mục đích của việc kết nối du lịch lần này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng...

Ngày 27-6, đoàn lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp, du khách… tại TPHCM đã có chuyến khảo sát các điểm đến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Chuyến đi này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ diễn ra chính thức vào ngày 28-6, do UBND TPHCM phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, tại TP Tây Ninh.

Mục đích của việc kết nối du lịch lần này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, thu hút du lịch và đầu tư đến các địa phương trong vùng. 

Khai thác, kết nối phát triển du lịch liên vùng TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ ảnh 1 Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng đại diện Sở Du lịch TPHCM chụp hình lưu niệm chiều 27-6 tại Tây Ninh
Trong đó, TPHCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), du lịch văn hóa-lịch sử, mua sắm, y tế, đường thủy…  
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung giới thiệu về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh. Tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, đưa sản phẩm nông nghiệp vào khai thác du lịch.
Các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tập trung giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng có thế mạnh như: văn hóa làng nghề, cộng đồng, ẩm thực, sản phẩm chuỗi nông sản…  

Song song đó, các tỉnh, thành phố cũng định hướng cho các doanh nghiệp du lịch liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa TPHCM đến các tỉnh khu vực Đông Nam bộ (chuỗi gắn kết gồm lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm…). Chẳng hạn như, tạo thành chương trình liên kết, tạo chuỗi giá trị du lịch lữ hành quốc tế giữa các địa phương, nhất là lữ hành quốc tế từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).

Khai thác, kết nối phát triển du lịch liên vùng TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ ảnh 2 Du khách tham quan tại  một điểm đến ở tỉnh Tây Ninh
“Việc liên kết phát triển du lịch 6 địa phương tạo nên sức cạnh tranh về sản phẩm liên vùng, giúp cho vùng này thêm phong phú về sản phẩm. Sự bắt đầu cho một liên kết nào cũng xuất phát từ lợi thế tiềm năng, giúp nó phát triển trong tương lai. Sự liên kết này là bước khởi đầu, mà hành động lớn nhất chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các nhà đầu tư”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó Tổng Giám đốc BenThanh Tourist đánh giá, sau giãn cách xã hội, du khách có xu hướng đi ngắn ngày. Nắm bắt nhu cầu này của du khách, BenThanh Tourist đã khảo sát và giới thiệu các sản phẩm mới từ TPHCM tới các điểm đến. Ví dụ như TPHCM tới Tây Ninh (bình thường khách đến TPHCM đi Củ Chi), TPHCM – Bà Rịa - Vũng Tàu – Đại Nam, tuyến chợ Lái Thiêu – làng guốc mộc – xóm heo đất - xóm sơn mài Tương Bình Hiệp - xóm lu đất, Bảo tàng dược Cổ truyền Việt Nam chi nhánh Bình Dương (Bảo tàng Fitô)… Theo bà Vinh, đây là những tuyến điểm thú vị, phù hợp cho khách yêu khám phá, tìm hiểu các điểm đến mới lạ. Đối với tỉnh Bình Phước, địa phương nên hướng tới khai thác các tour du lịch phù hợp cho sinh viên, học sinh đi du lịch ngắn ngày kết hợp tham quan, học tập. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ cần điều chỉnh lại dịch vụ là ổn, chẳng hạn nâng cao chất lượng dịch vụ đón các đoàn khách từ 1.000 người trở lên.

Du khách TPHCM  tham quan vịnh Marina - Bà Rịa - Vũng Tàu
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh đã trao tặng hoa cho đại diện đoàn du khách mua tour kích cầu kết nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ đến tham quan Tây Ninh.
Trao đổi với Báo SGGP ông Nguyễn Thanh Ngọc kỳ vọng, việc kết nối lần này mở ra hướng đi mới cho du lịch Việt Nam, đặc biệt hiện thực hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện Tây Ninh có nhiều sản phẩm du lịch thú vị, địa phương đã chú trọng đầu tư, xây dựng các sản phẩm chủ lực đặc sắc, góp phần cùng đưa du lịch của cả nước “cất cánh”. Sau hội nghị diễn ra ngày 28-6, tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình đến từng địa phương, đặc biệt là chú trọng xây dựng, quảng bá, liên kết sản phẩm và tour du lịch ở các tỉnh. 

Giới thiệu các tour du lịch giảm giá sâu cho khách

Ngày 27-6, hàng loạt các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đã lần lượt đưa ra nhiều tour ưu đãi, giảm giá cho du khách. Chẳng hạn, với Lữ hành Saigontourist, ngoài những gói tour truyền thống, tour Free and Easy hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, đơn vị còn triển khai dịch vụ cung cấp Travel Voucher. 

Bên cạnh dấu hiệu khởi sắc từ thị trường khách lẻ, thị trường khách đoàn nội địa của Lữ hành Saigontourist cũng đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu tích cực trở lại khi các đoàn khách công ty, đoàn khách cơ quan, xí nghiệp đã liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong tháng 6 và tháng 7.

Khai thác, kết nối phát triển du lịch liên vùng TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ ảnh 4 Du khách tham quan đỉnh núi Bà Đen chiều 27-6
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc SacoTourist thông tin, ngày 27-6 công ty đã đón đoàn khách du lịch 80 người từ TPHCM đến tham quan Tây Ninh, Bình Dương. Lộ trình du lịch 2 ngày 1 đêm, khách được nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao Vinpearl, tham quan nhà máy Tanifood, Hồ Dầu Tiếng, Làng tre Phú An, chinh phục cáp treo núi Bà Đen, thưởng thức đặc sản bánh canh Trảng Bàng… Giá tour trọn gói 1,499 triệu đồng/người.
Theo ông Tấn, thời điểm này lượng khách du lịch đang phục hồi, ngày nào công ty cũng có vài đoàn khách khởi hành từ TPHCM đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, có ngày công ty đón gần chục đoàn.  

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist cũng cho hay, công ty đang có những tour trải nghiệm từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu đầy thú vị. Chẳng hạn như, khách được tham quan vịnh Marina, là nơi neo đậu, sửa chữa và đóng mới các loại tàu trọng tải lớn, các giàn khoan khai thác dầu khí. Đặt chân đến đây, du khách được tham quan trên  tàu cao tốc rẽ sóng băng lướt sóng trên vịnh, ngắm nhìn thật gần những tàu cảnh sát biển hiện đại...; có dịp ghé thăm bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor...

Tin cùng chuyên mục