Một trong những điểm đáng chú ý là các địa phương đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Trả lời nội dung này, Bộ Công thương cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Bởi, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt, không thể loại bỏ. Đơn cử như Nhiệt điện Nam Định I, Nhiệt điện Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II.... Thậm chí sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Bộ Công thương cho biết thêm, trong Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) trở lên và tới hạn cải tiến (AUSC), áp dụng tùy từng giai đoạn. Đồng quan điểm, nhóm tư vấn cho dự thảo cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn vậy và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an toàn, an ninh năng lượng, chi phí sản xuất điện của nguồn LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao. Trong khi đó, công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và bảo đảm về môi trường.
Tuy nhiên, theo phản biện của giới chuyên môn, quy hoạch vẫn đang “lẩn quẩn” với tư duy cũ về phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới chủ yếu sử dụng than nhập khẩu. Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than. Đặc biệt, suất đầu tư điện than tới hạn cải tiến dự kiến gấp ba lần điện khí, chi phí vận hành và bảo dưỡng cố định cao gần gấp đôi, trong khi hiệu suất dự kiến lại thấp hơn 10 điểm phần trăm. Điều đó cho thấy về mặt kinh tế, đầu tư vào điện than kém hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư vào điện khí. Do đó cần xem xét thận trọng giữa một bên là công nghệ nhiệt điện than đắt tiền với rủi ro có thể thấy trước và một bên là công nghệ nhiệt điện khí thân thiện môi trường, hiệu suất cao hơn.
Các chuyên gia cũng góp ý, dự thảo cần đánh giá thêm về thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tác động với sức khỏe cộng đồng với tính khả thi của Quy hoạch điện VIII. Nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Như vậy thiết nghĩ, Quy hoạch điện VIII cần lắng nghe ý kiến của các địa phương và chuyên gia. Bởi lẽ, đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là “Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới” và cũng là xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới.