Dưới góc độ kinh tế
Bấy lâu nay, nhiều người luôn suy nghĩ, di sản là phải gìn giữ, bảo tồn… và điều đó cũng được hiểu là di sản chỉ tiêu tiền. Song giờ đây khái niệm ấy đã dần thay đổi, bởi di sản chính là một “mỏ vàng” nếu như biết nhìn nhận, trân trọng và khai thác đúng. Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, cho biết, khi những di sản được khai thác “đúng mức” sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp ngành du lịch, khách sạn, bán lẻ… phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
Không chỉ dừng lại ở việc bán vé tham quan đơn thuần như nhiều di tích trên khắp cả nước bấy lâu nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đang dần trở thành sản phẩm dịch vụ thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cùng với việc xây dựng các chuyên đề trưng bày ban ngày với nhiều loại hình tương tác hiện đại, sinh động, di tích Hỏa Lò cũng là điểm sáng thành công với tour du lịch đêm. Có những thời điểm, người tham dự phải đặt mua vé trước cả tháng.
Từ mô hình của Hỏa Lò, hai di sản văn hóa thế giới ở Hà Nội là Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã lần lượt ra mắt tour đêm nhằm đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ với di sản, đồng thời cũng giúp đem đến nguồn thu mới từ chính di sản. PGS-TS Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận định, đây chính là một trong những bước đi góp phần xây dựng nền công nghiệp di sản.
Nhiều tiềm năng đang đợi khai thác
Với hàng ngàn di sản vật thể, phi vật thể, trong đó có 22 di sản thế giới được UNESCO vinh danh như vịnh Hạ Long, Bái Đính, Hoàng thành Thăng Long… theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam có tiềm năng văn hóa và có lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản. Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam, đánh giá cao những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam đang có ngày càng nhiều di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế. Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng tối đa những giá trị này, đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ trở thành trung tâm của phát triển bền vững.
Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng.
GS-TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), chia sẻ, bảo vệ không có nghĩa là khư khư giữ gìn di sản, mà phải biết khai thác giá trị gia tăng của di sản qua nhiều hình thức. Trong đó, du lịch là một phương thức hữu hiệu. Nhìn chung, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ và phát huy, giữ gìn và khai thác, bảo tồn và phát triển. Như vậy mới đạt được sự phát triển bền vững cho cả văn hóa lẫn du lịch.
Bà Nikki Locke, Trưởng Ban Dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh toàn cầu, cũng cho rằng, cần khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng. Theo bà, người dân ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn có suy nghĩ việc bảo tồn di sản văn hóa là điều “xa vời”, chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ, đây là điều cần phải thay đổi.
Việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về văn hóa, thiên nhiên sẵn có như nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là thực tế đã và đang diễn ra, nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi hài hòa được lợi ích của người dân - chủ thể của di sản với việc bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản.
Mặc dù không quản lý di sản, nhưng NXB Chính trị quốc gia Sự Thật cũng không “lỡ nhịp” khi nắm bắt nhanh xu hướng biến di sản thành “tài sản”. Trong 2 năm liên tiếp, 2022 và 2023, bộ lịch Bảo vật quốc gia của đơn vị này đã được đánh giá rất cao. Người dùng lịch không những có thể chiêm ngưỡng các bảo vật vô giá của dân tộc mà còn có thể tìm hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa, kinh tế, sự phát triển các mặt kiến trúc, nghệ thuật… của ông cha qua các thời đại.