Trong thông tin công bố “10 công ty du lịch, lữ hành uy tín năm 2018” ngày 4-1, nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhìn nhận, 3 thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là: khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông chưa thuận tiện.
Cụ thể, khách quốc tế vẫn chủ yếu tập trung ở các địa điểm du lịch đã có thương hiệu (Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…), trong khi nhiều di sản mới (Cô Tô, Lý Sơn…) lại chưa thu hút đông du khách, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu của khách chưa cao. Bên cạnh đó, để phát triển, ngành du lịch cần có sự định hướng chính sách phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có liên quan như: vận tải hành khách, y tế, viễn thông… nhưng hiện nay, chế tài cũng như thực trạng liên kết ngành còn nhiều bất cập, do đó khó giữ chân du khách trong các lần sau. Một bất cập khác là cùng với sự gia tăng thu nhập, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất, tuy nhiên, thực tế, số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… vẫn chưa đáp ứng được, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch.
Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu, ngành du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua các hoạt động như xúc tiến du lịch, hội chợ, phim ảnh, thi hoa hậu, thể thao… đang được thực hiện tốt. Với xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như thu nhập như hiện nay, du lịch Việt Nam có triển vọng phát triển hơn nữa, hướng tới hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đặt ra đến năm 2020 (thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD…).