Một thập niên biến đổi
Dù là họa sĩ hội họa hay đồ họa, chất liệu mới luôn là yếu tố lôi cuốn người thực hành sáng tạo. Qua các trại sáng tác đồ họa tại TPHCM, từ năm 2010 đến nay, đã cho thấy rõ sự tiếp biến chất liệu tranh in. ThS Nguyễn Ngọc Vinh, giảng viên ngành Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, cho biết: “Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với sự tiếp biến, phát triển các chất liệu mới của tranh in, các đột phá mới trong hình thức thể hiện cũng trở nên sôi động và đa dạng hơn. Nếu trước đây, tranh in hay khắc chỉ xoay quanh các chất liệu gỗ, thạch cao, kẽm, đá, lụa… thì nay chất liệu tranh in đã rất đa dạng, như: litho nhôm, mezzotint, gum print, collagraph, in độc bản, độc bản đồ nét... Ngay tại triển lãm Giải thưởng Đồ họa 2024, nhiều tác phẩm theo hình thức mới đã được giới thiệu: kỹ thuật chồng màu trong khắc gỗ phá bản, in lưới, tổng hợp đa kỹ thuật trong chất liệu ăn mòn inox 304, vận dụng kỹ thuật chế bản tách phim của kỹ thuật in lụa, mài màu như kỹ thuật sơn mài truyền thống…”.
Cũng theo ThS Nguyễn Ngọc Vinh, những tác phẩm theo chất liệu mới này không chỉ bắt kịp mạch sáng tạo của dòng chảy nghệ thuật đương đại, mà còn phần nào phản ánh nhịp sống kỷ nguyên số. “Ranh giới giữa đồ họa, hội họa và các lĩnh vực nghệ thuật khác rất gần nhau, bởi xu hướng phát triển của công nghệ sẽ mang đến sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật. Điều này đem đến cho công chúng góc nhìn mới về đồ họa, không hề bị giới hạn bởi kỹ thuật, chất liệu hay ứng dụng công nghệ”, ThS Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ thêm.
Trước đó, workshop tranh in đá 2023 của ngành Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM qua sự hướng dẫn của họa sĩ Đoàn Minh Thời đã cho thấy một bước tiến mới khi sử dụng nhôm từ lon nước ngọt để làm chất xúc tác ăn mòn mặt đá, minh chứng cho sự tìm tòi chất liệu dễ tìm, và thân thiện với môi trường. Đây cũng là workshop về in đá lớn nhất trong những năm gần đây, cả về số lượng tác giả và số tranh được các họa sĩ, chuyên gia đánh giá cao.
Ứng dụng hay lạm dụng
Cùng với sự phát triển của công nghệ và các thiết bị hỗ trợ, họa sĩ có thể tối ưu hóa được thời gian làm phác thảo, tìm hình và hạn chế được sự rủi ro trong sáng tác. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến nhìn nhận mặt hạn chế của sự phát triển công nghệ hỗ trợ đồ họa, chính là ranh giới giữa việc ứng dụng và lạm dụng mong manh hơn bao giờ hết.
Họa sĩ Nguyễn Huy Lộc chia sẻ: “Một số người quá lạm dụng kỹ thuật, sử dụng các phần mềm đồ họa hỗ trợ như Illustrator, Photoshop... để chỉnh sửa hình ảnh, dùng những hiệu ứng màu sắc, hiệu ứng đường nét, hiệu ứng chất liệu sau đó xử lý bề mặt tác phẩm thông qua các thủ thuật đồ họa tạo hình. Bên cạnh đó, sự lạm dụng các phần mềm đồ họa hỗ trợ để cắt, ghép xử lý bố cục tác phẩm và cuối cùng là tạo ra những tác phẩm gọi là đồ họa tạo hình. Từ trước đến nay đã có rất nhiều tác phẩm với ngôn ngữ, cách làm như vậy tham gia các triển lãm, dự giải thưởng và có tác phẩm nhận giải cao”.
Về vấn đề này, nhiều họa sĩ cũng cho rằng, không có gì phải phản đối hay ủng hộ, vì phương pháp, thủ thuật, kỹ thuật nêu trên đã được các nghệ sĩ tạo hình Trung Quốc và phương Tây thực hiện từ nhiều năm trước. Bằng phương pháp này, đã có những tác phẩm xuất sắc ra đời, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhất là các phương pháp kỹ thuật này giúp dễ tạo ra các tác phẩm khổ lớn hơn các phương pháp truyền thống. Tuy hiện xu hướng này đã dần bị mai một, nhưng ý tưởng tạo hình nguyên thủy vẫn được đề cao.
“Về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng trong xu hướng sáng tác nghệ thuật đương đại, hội nhập quốc tế, thì tất cả chúng ta không phải là một họa sĩ mà gọi đúng thuật ngữ phải là nghệ sĩ tạo hình. Vậy nên, vấn đề người nghệ sĩ cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên vẫn phải là tính tạo hình trong mỗi tác phẩm. Sự tươi mới, xúc cảm độc đáo, riêng biệt với phong cách của từng nghệ sĩ mới là chân giá trị của người họa sĩ nói riêng và người nghệ sĩ tạo hình nói chung. Con đường sáng tạo nghệ thuật mà chúng ta theo đuổi, phải là sự sáng tạo không bị lệ thuộc vào một quy chuẩn nào”, họa sĩ Nguyễn Huy Lộc bày tỏ.