Ngày 28-10, Đoàn khảo sát trong dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL kết hợp cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam đã khảo sát đo đạc lượng bùn cát từ sông Mê Kông đổ về ĐBSCL – đoạn trên sông Hậu, địa bàn tỉnh An Giang.
Tại đây, nhóm chuyên gia là các nhà khoa học đã chia sẻ những thông tin liên quan đến nguồn cát trên sông này. Theo đó, ĐBSCL đang bị đe doạ do khai thác cát quá mức, dễ thấy nhất là tình trạng sạt lở gia tăng.
Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất, trong 3 năm (2018 – 2020) thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do sạt lở tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Theo đó, giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m; giai đoạn 2009-2016 độ sâu của lòng sông Tiền, sông Hậu tăng thêm 5-10m; kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn, toàn vùng có 621 điểm sạt lở kéo dài 610km.
Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL, kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 cho thấy: Lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL thì chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang. Như vậy, chúng ta thấy rằng lượng cát đổ về rất hạn chế. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, từ dòng Mê Kông đổ về sông Hậu chủ yếu là bùn, còn ở sông Tiền mới ghi nhận có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mê Kông.