Khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc phát hiện hàng ngàn di vật

Trong quá trình khai quật khảo cổ tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc đã thu được một khối lượng di vật khổng lồ gồm hơn 4.800 tiêu bản. 

Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc
Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc

Sáng 28-6, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ cuối tháng 4 đến tháng đầu tháng 6-2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với đơn vị thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Diện tích thăm dò 20m2 (4 hố), diện tích khai quật 60m2 (3 hố). Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ lần này để xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích. Từ đó phục vụ cho việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể di tích.

z5581072672205_e99a83139d3dc4dded89bee9ae9ba217.jpg
z5581072692129_85628c019ddec15401447e9bf9a3ef39.jpg
z5581072706368_edfaf0f05147db20381d904793742042.jpg
Vị trí thăm dò, khai quật khảo cổ tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc

Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ cho hay, quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật (H1, H2, H3) lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4 x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Qua đó đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp Bắc.

Để xác định đầy đủ quy mô, cấu trúc mặt bằng tổng thể di tích Tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia cũng mở 5 hố thám sát, trong đó có 2 hố ở phía Đông thẳng trục trung tâm của tháp Bắc, 1 hố ở góc Đông Bắc, 1 hố ở góc Đông Nam và 1 hố ở phía Tây.

Ở các hố thăm dò đã xác định được vị trí của tháp Cổng (gopura), tháp Hỏa (kosagraha), hệ thống tường bao (antarmandala) phía Đông và đường đi nối từ tháp Nam sang tháp Bắc.

"Qua kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, bước đầu chúng tôi chỉ xác định được 2 đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của tháp thứ 3. Nếu đúng chỉ có 2 tháp thờ chính thì Tháp đôi Liễu Cốc là một di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính...", ông Nguyễn Ngọc Chất đánh giá.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Chất, song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật cũng thu được một khối lượng di vật khổng lồ gồm hơn 4.800 tiêu bản. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.

Vật liệu kiến trúc có 3.936 tiêu bản gồm gạch và ngói, trong đó gạch chiếm đa số với 3.920 tiêu bản, ngói có 16 mảnh. Đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Tiền kim loại phát hiện được 1 đồng "Nguyên Phong thông bảo" viết theo lối Hành thảo niên đại thế kỷ XIII.

Trang trí kiến trúc được tìm thấy chủ yếu là những hình trang trí góc tháp được làm từ đá sa thạch màu xám vàng, ngoài tạo tác với khối hình đơn giản, bề mặt nhẵn, hình đầu bò Nandin... Tổng số có 50 mảnh xác định được trang trí hình đầu bò, trong đó có 2 hiện vật nguyên trạng.

z5581072664861_2655706a608232165466d27e54a778db.jpg
z5581142631164_a007b880c1cd3beaf4da213067ffcdd0.jpg
Hơn 4.800 tiêu bản là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại... được phát hiện trong quá trình khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc

Di vật đá tìm thấy 4 tiêu bản, đặc biệt trong đó có đầu phù điêu Phật niên đại thế kỷ XI-XII. Có thể nói, đây là bộ sưu tập hiện vật quý, chắc chắn sau khi nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị.

Qua thực tiễn nghiên cứu, khai quật, các chuyên gia cũng đưa ra kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu gia cố, gia cường hệ thống tường tháp, tránh xuống cấp, đổ vỡ; làm sạch bề mặt gạch, chống rêu mốc và cây cối mọc phủ lên kiến trúc.

z5581142640803_24835249ffe9a3dffe7374c24c7974c4.jpg
z5581142642593_50a01c185d3b1020c38670562b433619.jpg
Hơn 4.800 tiêu bản là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại... được phát hiện trong quá trình khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc

Trong khi theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tuy phạm vi khai quật khảo cổ vừa qua còn rất hạn chế nhưng đã cho nhiều phát hiện mới, khẳng định thêm những giá trị to lớn của di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Sau đợt này, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kiến nghị với UBND tỉnh sớm tiếp tục mở rộng khảo cổ giai đoạn 2 với di tích này. Nếu làm được điều này mới có cơ sở, phương án bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.

Di tích Tháp đôi Liễu Cốc nằm ở địa phận làng Liễu Cốc Thượng, thôn Bàu Tháp, nay là Tổ dân phố Xuân Tháp (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là một công trình kiến trúc đặc trưng của người Chăm, có giá trị nhiều mặt cả về khoa học, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng...

Di tích gồm hai ngôi tháp được xây dựng gần nhau (cách nhau khoảng 2,8m) trên hai trục song song theo hướng Đông - Tây, lối vào tháp ở phía Đông. Tên gọi "Tháp đôi Liễu Cốc" được lấy từ tên địa danh làng Liễu Cốc và quy mô hai tháp để đặt tên di tích.

Năm 1994, Tháp đôi Liễu Cốc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 921/QĐ/BT ngày 20-7-1994. Mặc dù với hiện trạng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, nhưng so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, bên cạnh tháp Phú Diên, Tháp đôi Liễu Cốc là di tích được đánh giá có tình trạng bảo tồn tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục