Tại buổi họp các đại biểu đã đưa ra các phương án để khai quật. Theo đó, để đảm bảo khai quật di sản dưới nước, Sở VH-TT-DL - đơn vị chủ trì khai quật, thành lập các ban chỉ đạo khai quật, ban khai quật, các tổ chuyên môn...
Phương pháp thực hiện là sử dụng thợ lặn mang theo ống lặn và máy quay, định vị, thu thập tài liệu… Các cổ vật sau khi trục vớt sẽ xử lý sơ bộ, lập hồ sơ, đo vẽ, bảo quản theo đúng quy định.
Sau khi nghe phương án khai quật và công tác đảm bảo an toàn trong quá trình khảo cổ, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhận định, việc khai quật, khảo cổ di sản dưới nước là tài sản quý của tỉnh và cả nước, do đó cần có tiêu chí lựa chọn phê duyệt đơn vị khai quật, đơn vị có năng lực thực hiện.
Công tác khai quật cần thực hiện nhanh trước ngày 20-9 để tránh mưa bão và đảm bảo tiếp tục công việc nạo vét cảng chuyên dụng mà Công ty Hào Hưng đang thực hiện.
Sở VH-TT-DL hoàn thiện phương án khai quật để thực hiện.
Trước đó, vào hai ngày 26 và 27-7, trong quá trình thi công hút cát làm cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất, thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của Công ty TNHH MTV Hào Hưng (gọi tắt Công ty Hào Hưng), công nhân đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ và mảnh gỗ nhỏ theo ống hút chảy tràn ra bãi. Sau đó, công ty đã chỉ đạo dừng công việc đang thi công và báo cáo tình hình phát hiện di sản văn hóa cho các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương.Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh, huyện kiểm tra hiện trường và phát hiện nhiều di sản văn hóa. Đồng thời Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường.
Qua khảo sát đã phát hiện xác tàu cổ, dài khoảng 20-30m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm. Địa điểm phát hiện ở vị trí cách bờ khoảng 6-7m, ở độ sâu khoảng 9m.
Từ kết quả báo cáo của Công ty Hào Hưng và kết quả kiểm tra thực địa, bước đầu có thể xác định rằng các hiện vật này là di sản văn hóa, với hiện vật là xác tàu cổ bị chìm, cùng nhiều hiện vật là chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau. Có khả năng đây là các hiện vật của thủy thủ tàu có niên đại khoảng thế kỷ XV.
Việc khai quật tài sản tàu cổ đắm và các hiện vật sẽ thu được nguồn cổ vật giá trị, minh chứng cho vùng biển Quảng Ngãi một thời buôn bán giao thương mạnh mẽ với bên ngoài trên con đường tơ lụa gốm sứ. Đây cũng sẽ là minh chứng cho vùng biển Bình Sơn là nơi neo đậu của các tàu thuyền buồm trên đường hải hành, giao dịch thương mại, làm rõ các giá trị lịch sử văn hóa trên vùng đất Quảng Ngãi.