Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực

Sáng 21-10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; đại diện các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế…

Trước khi bước vào phiên khai mạc, Quốc hội đã tiến hành mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.

TRẦN THANH MẪN .jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, về công tác lập pháp - nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp - có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

"Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết, nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân rất quan tâm”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

QUANG CẢNH KHAI MẠC.jpeg
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023; thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cùng một số nội dung khác theo thông lệ.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục