Sau cuộc thi đầu tiên được phát động từ năm 1999, đến nay đã có 4 cuộc thi được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn trên khắp cả nước. Thành quả của cuộc vận động viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ nhất (1999-2002) là những tác phẩm như tiểu thuyết Đêm yên tĩnh của Hữu Mai, Yêu tinh của Hồ Phương, Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn... Kể từ đó, cuộc vận động sáng tác, nay là cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, đã tổ chức đến lần thứ 5.
Theo Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân, qua 25 năm, đã có hàng trăm nhà văn, tác giả đồng hành cùng lực lượng công an, thấu hiểu, chiêm nghiệm, bằng ngòi bút đã làm sống dậy vẻ đẹp của sự hy sinh, lòng quả cảm, sự khốc liệt và cả những thâm trầm giằng xé, đã soi sáng nhiều khuất lấp trong hành trình bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn bình yên cuộc sống của lực lượng công an. Đặc biệt, nhiều nhà văn trẻ đã lựa chọn gắn bó với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, tạo lập vị trí trên văn đàn như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Giản Tư Hải, Đào Trung Hiếu, Đức Anh…
“Chúng tôi mong rằng, về những vấn đề mới đặt ra trong tình hình hiện nay, những vấn đề nóng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là những vấn đề liên quan an ninh phi truyền thống như môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố… chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, cung cấp tư liệu, đồng hành cùng các nhà văn trong quá trình sáng tác”, Đại tá Trần Cao Kiều phát biểu.
Tham dự trại sáng tác lần này có 35 nhà văn đến từ nhiều miền đất nước, trong đó chủ yếu là khu vực phía Nam. Đặc biệt, góp mặt trong trại sáng tác lần này còn có nhiều nhà văn của TPHCM như Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trầm Hương, Lại Văn Long, Hoài Hương, Kim Quyên, Mã Thiện Đồng… cùng một số tác giả trẻ như Tống Phước Bảo, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Võ Đình Duy…
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ sự lạc quan về thành công của trại sáng tác lần này khi quy tụ nhiều cây bút tên tuổi cũng như những tác giả trẻ giàu nội lực. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một trong những điều quan trọng khi viết về an ninh Tổ quốc, về bình yên cuộc sống chính là viết về cá nhân người công an. Viết về họ nghĩa là viết về chính mỗi con người, nếu trong đó không có khám phá ra những con người trong bộ sắc phục đó thì chúng ta sẽ không khám phá được gì hết bởi con người quyết định tất cả.
Nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa đến từ An Giang là tác giả trẻ nhất tham dự trại sáng tác lần này. Anh hiện là Thiếu úy Cảnh sát hình sự của Công an huyện Phú Tân (An Giang). “Đề tài về người chiến sĩ công an vẫn luôn là điều mà tôi ấp ủ, mong muốn sáng tác, góp một nét bút nhỏ để phản ánh, tôn vinh vẻ đẹp của người chiến sĩ công an ngày đêm bảo vệ an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”, nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa cho biết.
Trong 14 ngày diễn ra trại sáng tác, từ ngày 12 đến 26-4, các trại viên sẽ tham quan Bạch Dinh và khu Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu); thăm Nhà lưu niệm và tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); thăm và làm việc với Trại giam Xuyên Mộc; thăm và làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 26-4 tại trại sáng tác sẽ diễn ra tọa đàm “Sáng tác văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống trong giai đoạn hiện nay”.