TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý báu, là “mảnh đất lành” nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc tỏa sáng và thăng hoa, trong đó có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vẫn tồn tại trong đời sống cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TPHCM.
Với mong muốn đời sống văn hóa nghệ thuật TPHCM có thêm nhiều sáng tác hay, có nhiều tác phẩm mới gắn liền với cuộc sống và con người hiện đại, mang hơi thở thời đại mới, trại sáng tác năm nay được tổ chức nhằm phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần sáng tạo, làm phong phú thêm nguồn tác phẩm biểu diễn. Đồng thời, tạo cơ hội để các tác giả trẻ được giao lưu, tiếp xúc, học tập kinh nghiệm sáng tác từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ và soạn giả nổi tiếng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Tại trại sáng tác lần này, bên cạnh Hội đồng Ban cố vấn chuyên môn là những chuyên gia, nghệ sĩ, soạn giả danh tiếng, còn có sự tham gia của 25 thành viên, gồm những tác giả chuyên sáng tác đờn ca tài tử và cải lương, trong đó có nhiều tác giả trẻ, lớp tác giả kế thừa của Đờn ca tài tử Nam bộ.
Nội dung hoạt động chuyên môn của trại tập trung vào việc các tác giả sáng tác tác phẩm mới viết về Đảng, Bác Hồ, về các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TPHCM gắn với tiến trình 50 năm xây dựng và phát triển Thành phố… Những chủ đề trên được chú trọng nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2025).