Hội nghị và các cuộc họp liên quan có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong, hơn 60 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng chống thiên tai của các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu khai mạc. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, 6 tháng năm 2023, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN xảy ra thiên tai khí tượng thủy văn và tần suất ngày càng tăng. Mới đây nhất, cơn bão Mocha đổ bộ vào Myanmar gây thiệt hại lớn. Trận bão một lần nữa khẳng định lại quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN, cần phải tăng cường hơn nữa nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai...
Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023, Việt Nam đang thúc đẩy chủ đề của năm Chủ tịch ACDM là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu: Hành trình của ASEAN hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Chủ đề này nhấn mạnh định hướng trong quản lý thiên tai chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa..
Năm 2023 cũng là một năm quan trọng đối với Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban. Vào 20 năm trước, những người tiền nhiệm đã có những bước đi đầu tiên nhằm hình thành Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, bao gồm các Văn phòng Quản lý Thiên tai Quốc gia của tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN, để đưa định hướng chiến lược nhằm tăng cường hợp tác quản lý thiên tai trong khu vực.
Phần mở đầu là tiết mục tranh cát đề cập đến Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban |
Theo ông Hiệp, năm 2023 là thời điểm đánh giá giữa kỳ chương trình đánh giá ARDEX 2021 – 2025. Việt Nam đã tiến hành đánh giá giữa kỳ thực hiện khung hành động SENDAI về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó cao nhất được đề cập là khung pháp lý hợp lý về quản lý rủi ro thiên tai.
Hội nghị ACDM lần thứ 42 tập trung thảo luận các nội dung: Cập nhật tiến độ thực hiện chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021-2025; rà soát các tiến độ xây dựng và triển khai các văn kiện, cơ chế, hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai như: chiến lược khu vực ASEAN về khắc phục hậu quả thiên tai (2023-2024); sáng kiến của thanh niên ASEAN vì một khu vực chống chịu thiên tai; khung truyền thông rủi ro thiên tai ASEAN; quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN; chuẩn bị công tác diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai (ARDEX) 2023 tại Indonesia…
Bên cạnh hoạt động chính, trong ngày 14 và 15-6 sẽ diễn ra một số cuộc họp liên quan như: họp Ban Quản trị Trung tâm AHA lần thứ 18; diễn đàn ASEAN về chống chịu thiên tai lần thứ 3; các cuộc họp thường niên giữa ACDM với Trung Quốc (lần thứ 3), Nhật Bản (lần thứ 5) và Hàn Quốc (lần thứ 4). Ngoài ra, còn có hoạt động diễn tập hành động sớm trước thiên tai được thực hiện tại xã Bình Hải (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), tham quan rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ngãi.