• Đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện nội quy kỳ họp Quốc hội
(SGGPO).- Sáng 25-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chính thức khai mạc phiên họp thứ 35 tại phòng họp Tân Trào, Tòa nhà Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đã gửi tới tất cả đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp về các vấn đề lớn của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.
Về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị không thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia như một thiết chế thường xuyên, vì chỉ hoạt động trong thời gian bầu cử; nếu cứ duy trì cả nhiệm kỳ 5 năm chỉ để phục vụ việc bầu cử bổ sung (rất hiếm khi xảy ra) là không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Duy trì thiết chế này thường xuyên là lãng phí nguồn nhân lực. Những quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia cần được rà soát lại để không “đụng” các quy định về quyền của Quốc hội và UBTVQH như đã nêu rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội”.
Chia sẻ với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý thêm: “Trách nhiệm tổ chức bầu cử HĐND như dự thảo Luật là chưa rõ. Nên giao cho Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia chứ không nên giao cho Chính phủ”. Theo bà Mai, việc “bảo đảm một tỷ lệ thích đáng đại biểu là người dân tộc, đại biểu nữ" là không rõ ràng. Vì có trở thành đại biểu hay không được quyết định bởi sự tín nhiệm của cử tri, nếu quy định “cứng” tỷ lệ tối thiểu không khả thi, nhưng đảm bảo tỷ lệ ứng cử viên thì được, nếu giới thiệu được ứng cử viên tốt thì nhiều khả năng sẽ có đại biểu tốt, hợp cơ cấu…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “chủ trì” và “tổ chức thực hiện” hoạt động bầu cử và cố gắng kế thừa những điểm tích cực của Luật cũ: “Khi nghiên cứu quy định về thiết chế Hội đồng Bầu cử quốc gia, cần đặc biệt lưu ý đặc thù của nền chính trị Việt Nam, theo đó đây là thiết chế hoạt động theo nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND. Nên chọn phương án 1”. (Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia về cơ bản vẫn giữ như Hội đồng bầu cử ở trung ương theo quy định của Luật bầu cử hiện hành – PV).
Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề xuất của bà Trương Thị Mai về việc đảm bảo một tỷ lệ ứng cử viên theo cơ cấu; nhưng cho rằng nên có mức sàn dưới: nếu tỷ lệ quá thấp so với yêu cầu thì phải coi là bầu cử không đạt yêu cầu.
• Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (trong đó có 4 nội dung nêu rõ là do Quốc hội quy định và 7 nội dung giao UBTVQH quy định chi tiết), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện vẫn còn nhiều thủ tục tiến hành các công việc tại kỳ họp Quốc hội chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hiện có và cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa trong Nội quy kỳ họp Quốc hội. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện Nội quy kỳ họp Quốc hội để quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục làm việc của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc rà soát, chuẩn bị để xem xét, ban hành mới Nghị quyết quy định về các chế độ bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Khoản 3 Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do UBTVQH quy định”. Đây là nội dung đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội từ năm 2001 nhưng đến nay UBTVQH vẫn chưa ban hành được văn bản quy định về trình tự để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH sớm xem xét, phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, trình UBTVQH thông qua nghị quyết về vấn đề này.
ANH PHƯƠNG